Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013

[Thời niên thiếu không thể quay lại ấy]: Không tự lột xác sẽ chẳng thể cất cánh bay



Mới đọc xong “Thời niên thiếu không thể quay lại” của Đồng Hoa. Lần đầu tiên đọc truyện Đồng Hoa vì thấy có nhiều người giới thiệu là nên đọc.

Đọc xong thấy Đồng Hoa đã thổi hơi thở cuộc sống và hoài niệm vào những trang viết thời niên thiếu khiến nó rực rỡ, không kém phần lung linh nhưng hiện thực trong đó cũng nghiệt ngã chẳng kém, làm người đọc cứ bỗng dưng điểm lại những chặng trong hành trình lớn khôn của mình.


Ngay từ đầu chú ý tới nhân vật Tiểu Ba. Đấy là điều dĩ nhiên. Tại sao? Đó là một câu hỏi không-thể-nói-ra-đáp-án =)))).

Aniway, cuộc lột xác của Kì Kì là một diễn tiến thú vị. Cô ấy như một chú chim được miêu tả từ lúc sơ sinh tới khi cất cánh bay với nhiều lần tự lột xác.

Đồng Hoa miêu tả rất thú vị, mỗi một thiếu niên như một chú chim. Có người cất cánh, có người không thể cất cánh nổi vì hoàn cảnh, có người lại vì gia thế mà chặt mất cánh trước khi kịp bay.

Thiếu niên luôn mơ mộng, giấc mộng thường bay bổng. Hiện thực thì tàn khốc. Nếu không tự lột xác để tiến lên, sẽ không thể cất cánh bay. 

Đọc được 2/3 truyện, mình đã nghĩ thế này: Kì Kì cất cánh bay được, ngoài sự nỗ lực bản thân, tư tưởng thoáng của gia đình, còn nhờ những chỗ dựa vững chắc.

Trần Kính xuất hiện vài lần trong truyện, nhưng lại là một nhân vật quan trọng.

Trong quãng đời vượt qua niên thiếu, Trần Kính luôn như người bay trước dẫn đường, Tiểu Ba như một sân đỗ vững chãi, còn Trường Tuấn như một người nâng cánh bay cùng.  Tuy Trần Thanh Tùng, Lâm Lam chỉ xuất hiện chớp nhoáng, nhưng mình thấy họ cũng như Trương Tuấn, như những người nâng cánh bay cho Kì Kì.

Trần Kính cũng như Tiểu Ba, đều có con mắt nhìn xa trông rộng, biết rằng Kì Kì tuy học hành phất phơ nhưng lại có tố chất bay cao. Họ xuất hiện ở một phần trong cuộc đời của Kì Kì, nhưng định hướng cô mãi mãi.

Trần Kính dạy Kì Kì cách tư duy, Tiểu Ba dạy cô cách bảo vệ mình. Trần Kính truyền thụ những kinh nghiệm cốt lõi của thành công, Tiểu Ba tránh đường cho Kì Kì bay. Tiểu Ba biết nếu Kì Kì còn gặp mình, cô sẽ không thể bay cao bay xa. Mà Kì Kì một khi đã bay thì anh không thể đuổi kịp.

Nhưng thay vì giữ cô em gái bé bỏng bên mình, anh lại chọn cách tạo cơ hội cho Kì Kì bay, nó giống như anh gửi mơ ước vào cô bé sẽ bay thay mình.

Thực ra, mình thấy Tiểu Ba giống như một sân bay. Anh tạo đường băng cho Kì Kì cất cánh, dõi theo cô như một đài quan sát.

Nhưng có một điều thú vị là chim tránh rét sẽ bay về phương nam, máy bay hết hành trình thì sẽ tìm điểm đỗ, nên mình có hy vọng rằng người Kì Kì gặp ở bờ sông 10  năm sau chính là Tiểu Ba.



Còn về Trần Kính, mình đoán rằng cậu ta cũng thấy Kì Kì rất thú vị. Thiên tài như một ông vua con cô đơn trên đỉnh vinh quang. Cậu ta nói những điều người khác khó hiểu nhưng lại luôn bị người ta làm phiền. Không hẳn cậu ta muốn làm người khác rối đầu, hẳn là vì có nói ra người ta cũng không tin. Sự tư duy vượt mức thông thường nhìn thấu vấn đề khó khăn thấy cái cốt lõi đơn giản, nói điều đơn giản ấy với người khác, người ta tự nhiên thấy đơn giản thế sao mình làm không được nên trở thành hoài nghi.

Hơn nữa, chẳng có đáp án tròn trịa nào cho tất cả các câu hỏi. Nó giống như phương pháp học tập, với mỗi người mỗi khác, tùy tốc độ tư duy và phương pháp tiếp cận nên cuối cùng vẫn phải là tự bản thân trả lời cho chính mình để có đáp án phù hợp nhất.

Trần Kính từ nhỏ luôn bị bạn bè vây quanh để hỏi han nên sớm thấy chán ngán. Vớ đúng Kì Kì ngồi cùng lười học, bỗng nhiên lại thấy thoải mái, tự nhiên hướng dẫn cô bạn phương pháp học của mình.

Giống như một sư phụ trong truyện kiếm hiệp, Trần Kính chỉ cho Kì Kì những điểm cốt lõi nhất, nhiều khi chính Kì Kì còn chưa hiểu lắm nhưng cuối cùng cũng tự rèn luyện mình để cứng cáp hơn.

Nếu mình mà là Trần Kính, chắc chắn mình sẽ cảm thấy thú vị. Thú vị vì có thể khai dẫn cho một cô bạn học hành phất phơ phát huy được hết tiềm năng. Giống như khi mình tiến ba bước, người phía sau cũng tiến từng bước một, cùng nhau tiến bước về phía trước, điều đó thật tuyệt vời biết bao.

Nhất là khi cậu ta là một Thần Đồng thì nếu có người chạy đuổi theo mình chắc sẽ cảm thấy bớt cô đơn hơn. Thậm chí có thêm động lực để phấn đấu, tự tiếp tục phá vỡ những giới hạn bản thân.



Có thể người khác sẽ hỏi Trần Kính không sợ bị vượt mặt sao?
Haha, điều này chắc chỉ Trần Kính hiểu. Thế giới này vẫn còn rộng lớn lắm. Nếu cứ nghĩ cần phải giẫm đạp lên nhau mà sống, vô hình đã thu hẹp thế giới dưới gót giày của mình, tự đóng khung lại giới hạn của bản thân. Khi bị chèn ép trong khuôn khổ, tự nhiên sẽ không thấy được những điều mới mẻ, khó lòng bứt phá khỏi điểm nút để tạo ra bước nhảy.

Còn nếu cứ thích giẫm đạp, chèn ép lẫn nhau, dễ sẽ thành lưỡng bại câu thương. Có những nhân quả trả ngay tức thì, nhưng có những chuyện trả dài theo nghiệp kiếp. Rốt lại, toan tính nhiều lại chẳng biết ai hơn ai.
Rất ấn tượng hình ảnh khi Trần Kính đứng nói chuyện với Kì Kì khi quay về trường cũ chia sẻ kinh nghiệm. Câu hỏi của Trần Kính đơn giản chỉ là “Thấy không?”, Kì Kì trả lời: “Thấy được.”

Hỏi gọn, đáp gọn nhưng lại đầy cảm giác. Họ nói với nhau những chuyện người khác nghe có thể không hiểu, nhưng họ hiểu. Vì họ đứng với nhau trong cùng một thế giới. Đó không phải thế giới của những người đang yêu mà là thế giới của những người trẻ nhiệt tình hăm hở tiến về phía trước với sự tự tin đầy ắp. Họ biết mình sẽ trở thành ai, biết cách hoạch định tỉ mỉ để tương lai nằm trong tay mình. Đó không phải là thứ tương lai mơ hồ hay bay bổng mà những người bạn cùng trang lứa đang có.

Những người khác khi nhìn họ, nghe họ nhưng không hiểu họ, không tự tin được như vậy nên tự nhiên có áp lực. Mà khi có áp lực người ta dễ buông tay. Đã buông rồi tự nhiên sẽ thụt lùi. Trong lúc đó, những ai tự-vượt-qua-giới-hạn của mình, dù chỉ nhích thêm từng chút xíu một thì khoảng cách vẫn là kéo dần xa.



Tuy Kì Kì luôn nghĩ rằng mình cần bay xa để giúp mơ ước của Tiểu Ba được hoàn thành, nhưng trên đôi cánh của cô ấy còn có những kì vọng khác. Trần Tùng Thanh hay Lâm Lam, mỗi người chỉ xuất hiện chút xíu nhưng mình cảm nhận rằng họ ở đâu đó bên đôi cánh của Kì Kì.

Người vì gia cảnh không tốt phải từ bỏ Đại Học, người vì không chịu nổi sức ép phải tự bỏ kì vọng với bản thân. Họ đều là những chú chim bị chặt cánh trước khi bay. Hơn ai hết, Kì Kì nhìn thấy được tâm tư của họ, hiểu được kì vọng họ dành cho mình. Có thể người ta thấy Kì Kì bay vì Tiểu Ba, vì chính bản thân cô, nhưng cô cũng đang bay trên ước vọng của người khác dành cho mình.

Nghĩ thế nào cũng thấy cuộc chia tay giữa Trần Tùng Thanh và Kì Kì khi học lớp 8 rất xúc động. Không nước mắt, mối quan hệ cũng không rõ ràng, chỉ nói với nhau vài câu nhưng lại khiến người ta thấy cuộc sống thật nhiều khó khăn.

Trương Tuấn nâng cánh cho Kì Kì bay nhưng cuối cùng lại tự tụt lại phía sau. Đồng Hoa viết rằng Trường Tuấn không tự tin vào tình yêu, vì cô gái cậu ta yêu quá lý trí khiến cậu ta lúc nào cũng bất an rằng nàng sẽ sớm bỏ lại cậu phía sau để bay về phía trước.

Còn mình thì nghĩ sự mệt mỏi của Trương Tuấn còn đến từ một khía cạnh khác. Trương Tuấn cho rằng Kì Kì càng giỏi, nàng càng bước chân vào một thế giới khác mà cậu không thể tới được, nên buông tay để nàng tìm một người tương xứng hơn.

Nhưng nếu đặt ngược vấn đề,  Tiểu Ba là người đồng hành với Kì Kì, liệu anh có mệt mỏi không? Chắc không!

Câu trả lời là vì lý tưởng của họ khác nhau.

Vì xuất phát điểm của Tiểu Ba không tốt nên anh phải lao về phía trước, lý tưởng của anh là thoát khỏi thế giới của anh Lí, của Ô Tặc để bước vào một thế giới khác, nơi được dệt nên từ tri thức.

Trước khi Kì Kì kịp định hình được nơi mình sẽ đến, kì vọng của Tiểu Ba đã đẩy nàng về phía trước. Nàng dò dẫm đi về phía trước với động cơ của người khác, nhưng rồi dần tìm đúng đường, bị say mê với thế giới tri thức ở phía trước nên từ đó biến động-lực-vì-người-khác thành lý-tưởng-của-chính-mình.

Theo mình, so với thất bại, mơ hồ đáng sợ hơn. Khi ấy không biết mình đi về đâu, không biết mình sẽ là ai, tương lai sẽ thế nào. Còn nếu đã có đích để hướng tới, mường tượng được thế giới của mình thì dù chạy hay bò, nếu đủ quyết tâm và kiên nhẫn, cuối cùng cũng sẽ thấy cánh cổng tới thế giới ấy.

Trương Tuấn tuy thông minh nhưng cuối cùng lại trở thành chạy đuổi theo Kì Kì. Cậu ta thấy Kì Kì cứ băng băng về phía trước nên tự động thúc ép mình phải bắt kịp. Lý tưởng thủa 19 của Trương Tuấn chính là Kì Kì chứ không phải là thế giới phía trước mà Kì Kì đang hướng đến.

Nếu cùng chung một lý tưởng, dù nhanh dù chậm cũng có thể hướng tới cùng nhau. Nhưng vì lý tưởng vốn đã khác nhau. Chạy đuổi chỉ khiến người ta thêm mệt mỏi. Càng chạy Trương Tuấn càng cảm thấy mơ hồ với lý tưởng của mình nên việc cậu ta chia tay là chuyện dễ hiểu.




Trong 10 năm không gặp, Kì Kì dần bước vào thế giới mà Tiểu Ba mong được đến. Cũng vì nàng, anh mở hiệu sách Bên Dòng Nước. 


Mơ ước thiếu thời của Tiểu Ba, Kì Kì làm được. Mong muốn bồng bột trong phút chốc ở thủa hoa mộng của nàng, anh cũng đã làm xong.

Họ cứ từng bước một thực hiện điều người kia tâm niệm. Vốn không ai có thể gồng mình sống cả đời vì một người khác. Nếu chỉ dốc lòng dốc cố sức vì người kia, có lẽ cả hai đều sẽ sớm bỏ cuộc. Vì họ biết rằng trong cuộc đời này, cơ hội còn được gặp nhau nữa có là bao.

Họ từ sớm vốn đã tâm ý tương thông, đã biến mơ ước của người kia thành đam mê của mình, có như vậy mới không bị gánh nặng cuộc sống làm lay chuyển mục tiêu. 



10 năm trước, thế giới của nàng rất nhỏ bé với những người bạn lớn lên thời niên thiếu.
10 năm sau, thế giới của nàng đã rộng lớn lắm rồi, nàng đặt chân tới nhiều nơi, học nhiều điều, sống không chỉ bằng lý trí quật cường nữa mà đã dám thành thật với trái tim.

10 năm trước, anh trong vòng phức tạp, đứng giữa đủ loại người mơ ước về một tương lai sáng lạn.
10 năm sau, thế giới xã hội của anh cũng đã rộng thêm bội phần, anh đủ khôn ngoan để tránh những mời mọc của xã hội, xã giao nhiều nhưng thế giới trong lòng lại rất nhỏ bé với những người anh em đi ra từ chỗ sinh tử.

Giữa xã hội trưởng thành đầy phức tạp, dòng xoáy thời gian cuồn cuộn chảy trôi, họ bỗng nhìn ra vị trí của mình trong lòng người kia. Dòng nước chảy đi, phù sa lắng lại. Quả thực để một tình cảm trong vòng xoáy cả thập niên mới ngộ ra hết quả thực là thử thách.

Nhưng nếu 10 năm trước, Tiểu Ba yêu Kì Kì, biết đâu trong một phút tự tin nào đó cũng sẽ như Trương Tuấn, tự động rút tay. Bởi trong tình yêu ai chẳng có một phần ích kỉ. Và tình yêu của ngày ấy cũng sẽ khó lòng toàn vẹn khi Kì Kì vẫn cứ dõi theo Trương Tuấn với ánh mắt khó rời.

Nên dù có là 10 năm, tình cảm của Tiểu Ba với Kì Kì vẫn không đáng tiếc. Nó cho nàng thời gian để thành thật với trái tim, khiến lý trí bớt cứng đầu và cũng cho khiến anh phải thừa nhận tình cảm đã có vượt xa tình anh em.

Nếu không có 10 năm, sợ rằng Tiểu Ba vẫn sẽ nhập nhằng giữa tình yêu và tình thân. Cảm giác tương giao với người tri kỉ tri âm thực khó xóa nhòa. Nếu trót đã có thì sẽ đeo đẳng trong lòng khiến người ta mải miết tìm không thôi. Tìm lại được là may, còn không, cả đời sẽ cứ thắc thỏm sống với mảnh hồn trần khuyết thiếu trong tâm tư. 


Kết thúc truyện là mở, nhưng mình hy vọng một cái kết thiên về Tiểu Ba.

Mặc dù Tiểu Ba cho rằng thế giới của anh và thế giới của Kì Kì khác nhau, anh học tới lớp 12 đã bị đuổi còn nàng học trường danh tiếng, đi du học nhưng ở cả hai lại cùng một hệ tư tưởng.

Ranh giới giữa cả hai chỉ là học vấn, khi Kì Kì thẳng đường đi thì Tiểu Ba cũng bước trên con đường vòng. Họ vẫn đang tiến về thế giới lý tưởng của mình theo những cách khác nhau. Và điều ấy giúp họ gắn kết với nhau, mãi mãi. 





*** Aniway, mặc dù Trương Tuấn đi xuyên suốt trong tiểu thuyết này nhưng với mình hình ảnh không mạnh bằng Tiểu Ba. Các đoạn ngoại truyện về Tiểu Ba rất hay, rất có hình ảnh. Đọc sang đầu tập 2 mình đã nghĩ tới cuốn “Nhắm mắt thấy Paris” của Dương Thụy. Hehe, nhiều đất sống không có nghĩa sẽ là người đi tới tận cùng.
 
Hix, hơn 2.500 từ của tôi ="=.

3h39’ – 23/2/2013
An Thụy


6 nhận xét:

  1. mình cũng nghĩ như bạn, truỵen co ket thuc mở nhưng minh mong ký ky hướng về tiểu ba

    Trả lờiXóa
  2. mình cx rất thick tiểu ba.
    truog tuấn tuy là bóg hìh, là giấc mơ của kì kì suốt thời niên thiếu nhưng tiểu ba rõ ràng có nhiều kỉ niệm hơn vs cô, luôn bên cô âm thầm và lặng lẽ. kì kì và tiểu ba đã thấu hiểu nhau đến độ chẳng cần nói ra cx biet. còn vs trương tuấn, tình cảm ấy có giằng xé, có ngọt ngào, có băn khoăn, có xốc nổi của tuổi trẻ nhưng mình nghĩ việc kì kì hướng về cậu ấy chỉ như 1 thói quen: kì kì nghĩ rằng cô ấy đã yêu cậu rất lâu, thực ra 1 thgian đơn phương mệt mỏi như vậy khiến nó fai nhạt nhiều. nhưng tôi ko fu nhận tìh yêu của cô ấy cx như trương tuấn, như cô ấy sau 10 cuối cùng cx nhận ra, cô ấy buồn chẳng qua vi về sau có lẽ sẽ ko ai yêu mình đến vậy
    cô đã nhầm, bởi cô thấy đau cho tiểu ba, nhớ đến người anh trai đã cho mình khoảng thgian ấm áp và hạnh phúc nhất. có lẽ cả hai đều chưa biết hóa ra từ trong trái tim, người kia đã quan trọng vs mình đến vậy. bạn nói rất chuẩn, tiểu ba có thể xuất hiện ít nhung ấn tượng để lại thì rất nhiều. như anh lý nói: tiểu ba tìm sự thiếu ở những cố gái khác nhưng ko dk vì đó là cả 1 quá trình lâu dài. anh vô hình đã tạo nên một kì kì đúng ý mình như em gái, như em gái, và như một nửa còn lại của trái tim. kì kì lại vô hình bị ảnh hưởng vì anh, trưởng thành bên anh, cố gắng vì ước mơ của anh-cx chính là lý tưởng của mình. nói kì kì lớn lên trong tầm mắt, sự chở che của anh còn có lý hơn là vs bố mẹ cô ấy. mqh cua 2nguoi dk đề cập khá ít so vs bạn bè của cô nhưng ko có nghĩa nó vô vị mà nguok lại, càng đi vào lòng người hơn.
    trương tuấn có thể là trạm dừng nào đấy trong thơithanh xuan của kì kì nhug vì ko cùng chung chí hướng, cùng bao xốc nổi ,tự ti, âu lo, mqh ấy tan vỡ. kì kì cứ tưởng cô sẽ khắc cốt ghi tâm niềm đau ấy nhưg thực ra thgian vô tình, đến khi ngoảnh lại ms phát hiện tất cả chỉ là quá khứ.
    nếu trương tuấn chia tay vì mỏi mệt, vì nôg nổi thì tiểu ba cắt đứt để kì kì trưởng thành hơn, bay cao hơn. anh đã dõi theo rất lâu, lâu đến đau lòng. anh đã nghĩ mình sẽ quên, nhưnh hóa ra cô lại quen thuok đến vậy, găm vào tim anh sâu đến vậy. anh có sự băn khoăn , nhưng là một kẻ cứnh đầu, việc j đã quyết thì sẽ làm như sự tuyệt giao năm đó. vì thế , t ko lo anh sẽ để lỡ kì kì 1 lần nữa một khi đã nghĩ thông về tình cảm thực sự của mình.
    còn kì kì, sau bao năm nhớ và nghĩ, chak cô ẫy cx biết mìh huớg về ai. cô ấy từng yêu trương tuấn, nó từg đủ sâu, đủ đau, đủ lâu nhug ko hẳn lã mãi mãi. cô đã buông tha cho đoạn tìh cảm thuở trẻ của mình và muốn yêu lại từ đầu. đó là ai, thuk ra có fai chỉ 1 trog 2 người họ ko cx chẳg quan trọng nữa. bởi cô sẽ ko về nếu chưa gặp dk tìh yêu đíck thuk của mình
    p/s: thuk ra mìh cực ủg hộ cặp kì ba. mìh thấy dù trình độ hok của tr tuấn cao hơn nhưng vĩnh viễn ko thể giỏi bằng tiểu ba. cậu ấy thuk ra trẻ con hơn kì kì và khó để xứg vs cô ấy bởi suốt ngày hoài nghi và ko tin vào bản thân mình. trong khi đó kì kì và tiểu ba đều quyết đoán theo con đường mình đã chọn, ko hề hối hận, dù có tiếc nuối, dù có vấp ngã, dù nc mắt có rơi cx ko hề bỏ cuộk

    Trả lờiXóa
  3. chị ơi em mượn một vài câu văn của chị để viết fanfiction nhé. em vẫn ấm ức vs kết mở. em cảm ơn nhiều và sẽ ghi nguồn ạ.

    Trả lờiXóa
  4. Gửi tặng các bạn Ngoại truyện Tôi không thể quay lại thời niên thiếu ấy (Yên Thảo) do mình tự viết.
    http://ngontinh.yenthao.com/2016/01/ngoai-truyen-toi-khong-quay-lai-thoi.html

    Trả lờiXóa
  5. Cảm ơn bạn,cái nhìn của bạn rất sâu sắc và tinh tế

    Trả lờiXóa

“Trảm long”: Hành trình giành lại tự do từ tay số phận

Đêm qua mới đọc xong tập cuối của “Trảm Long”. So với ba phần trước, “Thiên địa phong thủy” kém hấp dẫn nhất. Nhưng khép lại trang ...