Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

Đọc Marcel Proust để thử một lần học “ngôn ngữ xa lạ”

Buổi tọa đàm về cuốn sách “Bên kìa nhà Swann” hôm 19/11 là cuộc nói chuyện đầy thú vị, bởi lẽ các diễn giả tham dự gồm dịch giả Đặng Thị Hạnh, Lê Hồng Sâm, Dương Tường và Đặng Anh Đào đều là những người ở tuổi bát thập cổ lai hy. Tuy có lượng độc giả tham dự không đủ phủ kín các hàng ghế của Trung tâm Văn hóa Pháp L'Espace, các câu hỏi cho diễn giả không nhiều, nhưng chẳng mấy ai rời chỗ để về sớm. Vì đâu phải dễ để có dịp nghe các dịch giả nói chuyện đầy tâm huyết về Marcel Proust – một văn hào lớn của nước Pháp và thế giới.

Mặc dù các dịch giả đều là người có tiếng trong giới dịch sách, từng tham gia nhiều dự án dịch, nhưng ai nấy đều phải công nhận: Dịch Marcel Proust rất khó.  Điều này cũng là tương tự với các dịch giả ở các nước Mỹ, Nhật…

Các dịch giả tham gia tọa đàm: Đặng Anh Đào, Dương Tường, Đặng Thị Hạnh, Lê Hồng Sâm
Các dịch giả tham gia tọa đàm: Đặng Anh Đào, Dương Tường, Đặng Thị Hạnh, Lê Hồng Sâm

Nhưng chính vì Marcel Proust khó đọc, khó dịch nên người ta lại càng muốn tìm hiểu về ông hơn về sức hút thành công ông đã từng tạo ra trong thế kỉ 20.

“Bên phía nhà Swann” mà bốn dịch giả cùng Nhã Nam giới thiệu trong buổi tọa đàm ngày 19/11 nằm trong bộ “Đi tìm thời gian đã mất” gồm 7 cuốn: “Bên phía nhà Swann”, “Dưới bóng những cô gái đương hoa”, “Về phía nhà Guermantes”, “Sodome và Gomorrhe”, “Cô gái bị cầm tù”, “Albertine biến mất”, “Thời gian tìm lại được”.

Trong đó “Bên phía nhà Swann” là cuốn sách đầu tiên trong bộ sách trên. Năm 1912, Marcel Proust đã gửi bản thảo “Bên phía nhà Swann” tới nhiều nhà xuất bản có tiếng ở Pháp, song đều bị từ chối. Cuối cùng, ông quyết định bỏ tiền tự in tại nhà xuất bản Grasset.  Và chính quyết định này đã đem lại cho thế giới một bộ tiểu thuyết để đời.

Sau khi “Bên phía nhà Swann” được phát hành tại Pháp, André Gide - người sáng lập của nhà xuất bản Nouvelle Revue Française (nơi từng từ chối bản thảo của Proust) đã viết thư cho Proust nói rằng: “Từ chối cuốn sách là sai lầm nghiêm trọng nhất của Nouvelle Revue Française và (…) một ăn năn chua xót hối tiếc nhất của cuộc đời tôi”.

Tác phẩm kế tiếp “Bên phía nhà Swann” là “Dưới bóng những cô gái đương hoa” đã dành được giải Goncourt, giúp Proust trở thành nhà văn nổi tiếng của nước Pháp.



Đọc “Đi tìm thời gian đã mất”, bạn sẽ thấy đây là một cuốn tiểu thuyết về thiên hướng, là câu chuyện mà Người kể chuyện nói về cuộc đời mình, về thiên hướng văn chương nảy sinh từ bé. Nhưng cuộc sống, những chuyện yêu đương đã làm lu mờ ước muốn này. Tuy vậy, cuộc đời với nhiều những khúc quanh đời cuối cùng lại đưa đẩy Người kể chuyện nhận ra thiên hướng văn học của mình vốn đã sớm được định hình. Mong muốn trở thành nhà văn trỗi dậy và anh ta muốn viết một cuốn sách về cuộc đời mình, thể hiện thực tại nội tâm và phần tinh túy thoát ra khỏi cái Tôi.

Sự nổi tiếng, vinh quang của Proust được thế giới công nhận (với giải thưởng Goncourt năm 1919, huân chương Bắc Đẩu 1920) nhưng từ xưa đến nay, ngay cả ở Pháp, lượng độc giả của Proust vốn không nhiều do dung lượng tác phẩm của ông đồ sộ. Trong mấy ngàn trang sách của ông còn đan xen vào rất nhiều luận bàn, quy chiếu về các truyền thuyết, hội họa, âm nhạc…

Và theo dịch giả Đặng Thị Hạnh thì sách của Proust thú vị ở chỗ nếu là một người lười đọc, bạn không nhất thiết phải đọc hết từ đầu đến cuối mới theo được cốt truyện, mà thỉnh thoảng lật vài trang, đọc một vài đoạn để ngẫm cũng có thể nắm được nội dung mình đang dõi theo.

Nếu cứ nói hoài hai từ “khó đọc” lắm, thì hẳn bạn đọc nhà HHT – Trà Sữa sẽ nản mất, nhỉ? Nhưng nếu bạn là người thích văn học Pháp, rảnh rỗi thời gian và muốn ngấm nghĩ về khía cạnh khác nhau của cuộc sống, của nghệ thuật thì hãy thử đọc Proust một lần xem sao.

Chính Marcel Proust có câu “Những quyển sách hay được viết bằng ngôn ngữ xa lạ” và thường văn học hay là văn học thiểu sổ. Vậy thì sao bạn không thử một lần tiếp xúc với “ngôn ngữ xa lạ” để tiếp cận những tinh hoa tri thức.

Có thể việc hấp thụ ngay một lúc dễ khiến bạn nản hoặc cảm thấy quá tải, những khi như vậy, hãy gập sách lại và nhìn ra cuộc sống bên ngoài. Bởi sẽ có lúc, bạn sẽ lại mong soi chiếu thực tại, soi chiếu bản thân và những cảm xúc của mình qua lăng kính của những trang sách….

Thùy Dương.

Bài viết đăng trên HHT Online: http://hoahoctro.vn/doc-ben-phia-nha-swann-de-thu-mot-lan-hoc-ngon-ngu-xa-la/
***

Tọa đàm sách “Bên phía nhà Swann” không quá đông, không quá sôi nổi. Nhưng mình thấy có chút thú vị. 4 dịch giả đều là những nhà tri thức, các giáo sư, đều ở tuổi U80, nhưng nói về Proust thì rất hăng say. Mình thì chưa biết gì về Proust, nhưng nghe các dịch giả nói chuyện mà cũng tò mò.

Trong buổi nói chuyện dịch giả Lê Hồng Sâm có nói một đoạn trong tác phẩm Proust viết “Tôi không để ý đến câu chuyện họ nói mà tôi để ý đến cách họ nói” J. Với một tác phẩm mới, nếu chưa biết có thể tìm đọc, nhưng cơ hội nghe những người tâm huyết với tác giả, tác phẩm với về “đứa con” của họ là một điều hết sức thú vị.

Tự nhiên cảm thấy khâm phục họ vẫn đang ngày ngày cống hiến, mặc tuổi già, mặc sức khỏe. Xong lại nghĩ tới khi mình U80 liệu có thể như họ không nhỉ? Vẫn lấy con chữ làm thú vui, viết những việc mình thích, mình tâm đắc, đọc xong một tác phẩm hay là lại dành thời gian nghiền ngẫm các tình tiết, các diễn biến tâm lý.

 Kiểu ăn vừa đủ, ngủ có chừng, chơi với sách và viết linh tinh í mà. Liệu có thể như thế, được không nhỉ?

Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

The Master’s Sun [Ep 14-15]: Khi yêu ai đó hơn sinh mệnh bản thân





Tập 14, Tae Gong Sil vì muốn linh hồn của Quân Chủ Joo Joong Won nhập về thân xác cũ, cô đã đồng ý trở thành người của một bà đồng ma. Cô đã để mọi quá khứ của mình vào chiếc dây chuyền anh tặng, dùng nó làm vật kéo anh về hiện tại.

Anh thức tỉnh và quên mất mình đã từng yêu một người hơn cả sinh mệnh của chính mình. Đã từng yêu người đó đến độ chẳng kịp toan tính trước sau, cứ liều mạng cứu lấy người đó trước đã.  Một tình yêu như thế, nhưng anh lại quên. 

Về với hiện tại, anh chẳng hiểu nổi tại sao một cô gái chẳng hề quyến rũ chút nào lại khiến mình từng thất điên bát đảo. Cô ấy không phải gu của anh, anh cũng không thể đo lường được “giá trị” có thể kiếm được trong mối quan hệ với cô ấy, nên anh cũng chẳng muốn vướng lại làm gì.

Còn Gong Sil sau khi đổi chác xong, cô ấy vẫn sống, cô ấy vẫn thở, nhưng cô ấy đã đánh đổi bằng tất cả những gì mình đang có.

Đứng ở góc nhìn thứ ba, trong mối quan hệ ấy, khi anh cứu Gong Sil, anh đã nói “Chấp nhận” với cái chết. Sẵn sàng và nhẹ nhàng. Nói thật lòng mình để rời đi chứ không phải làm một hồn ma quyến luyến quẩn quanh cuộc sống của Gong Sil.

Khi anh đánh đổi sinh mệnh của mình vì người ấy, không màng tới địa vị, vật chất mình đang có. Những thứ ấy lúc đó không còn có ý nghĩa. Anh bảo vệ cô ấy như một điều tự nhiên, như một phản vệ bản năng. Nỗi sợ của anh khi đó chỉ là mất đi cô ấy, mà quên đi chính bản thân mình.

Còn cô ấy, cô ấy để cứu anh đã đánh đổi toàn bộ những gì mình đang có. Cô ấy vẫn sống, vẫn thở, vẫn ăn, vẫn uống, vẫn tồn tại nhưng cô ấy đã đánh đổi thứ mình mong muốn nhất: nơi trú ẩn an toàn và phải đối mặt với những sợ hãi chỉ muốn chạy trốn.

Nếu để anh chết, cô mất nơi trú ẩn an toàn, nhưng ít ra còn được tự do.
Nếu để cứu anh, cô mất tất. Nhưng tình yêu lúc đó đã thay lý trí lựa chọn con đường Mặt Trời muốn đi.

So với sự bảo vệ bản năng của Quân Chủ, mình thấy sự lựa chọn của Gong Sil đánh đổi nhiều hơn. Dù cứu người đó nhưng cuối cùng cô lại tự rời xa người ấy, đối mặt với những linh hồn, rời bỏ những điều bình thường nhất của một con người (không thể đi học, phải đi huấn luyện ma…). Cuộc đời cô ấy thậm chí còn tệ hại hơn cả trước khi yêu anh.

Mặt trời của Quân Chủ khi ấy chìm trong cái chết. Để đổi lấy sự sống cho người mình yêu. Nó giống việc con Sói trong cuốn “Một đêm giông bão” tự chọn cách bỏ đói mình, vì đã trót yêu Cừu. Vì yêu Cừu mà Sói quyết tâm “ăn chay”, còn Cừu vì yêu Sói lại cố tình dụ Sói hãy ăn thịt mình đi. Tình yêu đó trái với tự nhiên, trái với quy luật nhưng lại tồn tại nên nó làm tổn thương đôi bên. Vì ai cũng quyết hi sinh mình, nên chăng đó là khi yêu ai đó hơn chính sinh mệnh bản thân?

Tập 15, lúc Gong Sil chào Quân Chủ để đi ra nước ngoài. Cô ấy có nói rằng khi Joong Won bị hôn mê đến chết đi sống lại, linh hồn của anh thoát ra ngoài đã thừa nhận là thấy cô tỏa sáng như một Mặt trời.

Gong Sil là mặt trời của linh hồn, sáng giữa bóng đêm, khiến những người sống trong bóng đêm lóa mắt và họ muốn nương nhờ, xin giúp đỡ. Nhưng trong cuộc đời trần thế, bên cô lại có nhiều người đã chết, vậy chẳng khác nào cái chết đang bao quanh cô.

Khi Joo Won chìm trong bóng tối, quá khứ của cậu ấy bị người cũ “Cha Hee Joo” bao bọc, cậu ấy cần một Mặt trời để đi ra khỏi đêm đen. Nhưng khi sự thật về quá khứ được sáng tỏ, Joo Won liệu có còn cần một Mặt Trời nữa không? Nhất là một Mặt trời của cái chết? Liệu anh có thể bình thản sống cạnh một người mà xung quanh người đó luôn có những linh hồn tới nhờ vả và xin xỏ?

 Với Gong Sil, chắc chắn cô ấy sẽ lại tiếp tục giúp đỡ, vậy còn Joo Won, với tính cách của anh, anh có sẵn sàng giúp một cách từ thiện và không ngăn cách cô gái mình yêu khỏi thế giới ma quái vẫn luôn song hành?

Vừa xem xong tập 14-15 của “The Master’Sun” nên có tí cảm nghĩ vẩn vơ trong khi chờ tập cuối. Nhưng công nhận phim này của chị em biên kịch Hong hay thật.


Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

Du lịch ở Bangkok mùa hè 2013

Thời gian này đang bận nhiều chuyện. Vẫn đang tiếp tục hoàn thành những dự án riêng. Nhưng không quên nghỉ ngơi, vui chơi. Cụ tỉ là lại mới đi Bangkok về =)).

Năm nào cũng đi BKK nhưng vẫn thích đi :">. Năm nay đi đúng đợt sale nên mua được nhiều đồ, túm lại là bị XXI Forever và Espirit làm cho cạn túi :((((.

Aniway, vẫn theo thông lệ năm ngoái, sau khi đi về viết tí review. Năm ngoái bài mình viết ở WTT, đến năm nay vẫn có người đi BKK gửi email để hỏi han :).

Trải nghiệm thì mỗi năm một tí, nên năm nay về cũng post ở WTT một bài để ai cần có thể tìm thông tin. Ví như mình trước khi đi lần này tìm thông tin về Dream World, cách đi, giá taxi đến mỏi cả mắt mà vẫn chưa an tâm. Aniway, hi vọng là những thông tin dưới đây có thể giúp được ai đó.



******************************************************


Hi cả nhà,

Mình mới từ Bangkok về được… 10 ngày :”>.

Aniway, đây là lần thứ 3 mình đi BKK, lần này mình đi 6 ngày 5 đêm và có tí thông tin cung cấp cho cả nhà.

1. Mình đợt này đặt 2 tour của Hotels2thailand.comSiam Ocean World và Dream World.

Tour đi Siam Ocean World thì không có nhiều điều đáng nói vì, bắt tàu tới Siam, xuống là sang Siam Paragon, vào đó xuống tầng hầm là tới.

Tour đi Dream World vào Chủ Nhật, mình đặt trước 2 hôm, cung cấp số đt ở Thái.  Sau khi mình đặt tour, các bạn ở Hotel2thailand có gọi để hỏi địa chỉ khách sạn mình ở. Vì ở Thái nên mình không in sẵn tờ booking như lúc đi Siam Ocean World, mình có mail cho các bạn Hotel2thailand, các bạn í nói là cần in ra để đưa cho Dream World chứ bên Hotel2thailand không cần.

Sáng CN, đúng 9h đã thấy có ngưởi của Hotel2thailand đón bọn mình (có 4 người). Sau đó họ tập kết tại 1 địa điểm khách sạn nữa, ở đây có một gia đình 3 người. Túm lại là hôm mình đi có 7 người ngồi trên 1 chiếc xe rộng thênh thang 12 chỗ.

Sau khi đến Dream World, mình chìa tờ booking (nhờ in ở khách sạn), nhưng họ cũng không lấy. Họ xác nhận mình ở khách sạn nào, tour ở đâu, sau đó cho số dán vào áo. Mỗi nhóm khách 1 số (vd nhóm mình 4 người đều mang số 329).

Mình thấy khách đi tour đặt trước đều được cung cấp số như vậy, nhưng có nhiều màu khác nhau. Vd như mình mua hết các trò chơi, cả Snow Town, chỉ trừ mỗi ăn uống thì giấy có số màu xanh. Còn ai mua ít hơn thì màu khác. Màu sắc như vậy để người quản lý trò chơi biết là khách có được chơi tất cả các trò hay bị hạn chế.

Nói chung mình thấy mua tour này của  Hotel2thailand rẻ, vì nếu không mua hết mà vào cổng rồi thích trò gì mới mua có khi còn đắt hơn cả giá vé mua tour.

Dream World còn xa hơn Don Meung => Taxi Thái dạo này chẳng ông nào chạy meter cả => mua trọn gói đi về là tốt nhất.

2. ĂN BUFFET Ở BAIYOKE SKY,  mình mua ở www.bangkok.com
Mình mua ăn trưa và được xếp ăn ở tầng 82 với giá 600baht (420K/ng). Mình thấy đồ ăn ngon, đáng tiền.

Ban đầu đặt chỗ, mình tưởng sẽ chỉ được ăn ở Bangkok Sky tầng 76&78. Nhưng cuối cùng lại được ăn ở Crystal Gill tầng 82. Mà giá trên web là 1.380baht chứ.
http://www.baiyokebuffet.com/Restaurant/Restaurant.aspx

Hôm trước đó có đi ăn lẩu Shabushi ở Siam Center, nước lẩu có 4 loại, mình chọn milk soup và tom yum soup, nhưng thấy không ngon. 4 người ăn hết hơn 1300baht, nhưng thấy có mỗi kem là ngon thôi. Thấy ăn ở Baiyoke Sky còn ngon hơn í.


3. ĐỒ ĂN Ở THÁI =.= L

Mình ở White Palace, đi ra ngoài đường rẽ phải là thấy quán pizza The Pizza Company. Tò mò nên cũng thử ăn, kết quả là pizza và pasta ăn không hợp vị lắm. Pizza thì mặn, còn pasta mặn chát. Tóm lại là cố nuốt vì khó ăn.

Trong ba lần sang Thái, lần đầu tiên mình ăn Tom Yum Goong thấy ngon. Thực sự ko nhớ nổi quán này vì nó ko có gì đặc biệt lắm, quán nằm trong chợ Chatuchak. Tại thấy có nhiều khách du lịch ăn nên mình cũng tò mò vào ăn thử. Quán còn bán cả bún cá nữa.

Xôi xoài ăn ở chợ Chatuchak đã thấy ngon (50baht/suất), vào MBK thấy bán 120baht thì hơi đắt nhưng ngon hơn hẳn.

4.  CẨN TRỌNG TẠI 7ELEVEN

Hai lần trước mình đi vô tư và không vấn đề gì. Nhưng tới lần này sang Thái cùng 1 cô U40 và 2 đứa em thì gặp chuyện ở 7Eleven. Chẳng là vào đấy rồi, mỗi người tứ tán một hướng mua đồ.

Cô em gái mình (sn1994) bị một anh người nước ngoài cao ráo, đẹp trai ra hỏi chuyện. Đầu tiên hỏi “Có phải người TQ ko?”. Em mình bảo “Ko, người VN”. Anh này tươi tỉnh trình bày sắp sang VN và muốn xem tiền VN trông ntn để phân biệt.

Em í đồng ý, nên mở ví ra, nhưng chỉ định rút tiền Việt cho anh ta xem. Ai dè anh này lại tự tiện rút luôn tập tiền trong ví em í, cầm xem xem. Cô mình thấy có người nói chuyện với em thì tiến lại hỏi, cùng lúc đó một anh người da đen quay sang hỏi hỏi cô mình, chắn cô mình ra chỗ cháu gái.

Chắc trong lúc cô mình gọi, em gái mình lơ đãng trong khoảnh khắc. Mình sau đó một lúc thấy nhiều người đứng tụ tập thì có qua, thấy anh người nước ngoài cứ xem xem tiền thì bảo em là cất đi, không cho xem nữa. Anh kia thấy thế thì trả lại tiền, cười cười, chắp tay cảm ơn theo kiểu người Thái và đi rất nhanh ra cửa.

Ngay lúc đấy mọi người ra tính tiền ở quầy thu ngân thì em gái phát hiện mất 3.000 baht trong ví. Trong ví em í có 4.000baht, nhưng anh này chỉ lấy 3.000baht, để lại 1 tờ 1000baht, xong trộn các tờ tiền vào nhau để đánh lạc hướng khiến chủ nhân không để ý (Vì mải sắp lại các loại tiền).

Mà anh này mặc áo cộc tay nhé.

Lúc phát hiện mất tiền, đúng là ko làm gì được vì cả 2 gã tiếp cận lúc đó đều đã biến khỏi cửa hàng. Nếu cửa hàng có camera đi nữa thì sợ cũng chẳng tìm được vì lúc đó người nhà mình đồng ý chìa ví ra cho người ta xem mà.

Đây không phải lần đầu mình gặp trường hợp này. Năm ngoái đi với bố mẹ sang Thái, cũng trong 1 cửa hàng 7eleven, một người nước ngoài cũng tiếp cận mẹ mình, hỏi han về VN rồi muốn xem tiền. Nhưng vì lần í, mẹ mình ko biết tiếng Anh, bố mình cẩn trọng bảo không giao tiếp với người lạ và mình cũng chỉ đưa cho bố mẹ mỗi người 500-1000baht, còn đâu mình giữ tất :”>, nên không xảy ra chuyện gì.

Nói chung, các mẹ có đi 7ELEVEN thì nên cẩn trọng. Bọn lừa đảo hay nhắm vào phụ nữ để hỏi han và bọn chúng có cả đồng bọn để đánh lạc hướng nếu thấy có người tiếp cận lúc đang hành động.

Mà dù người ta có lừa tiền mình hay không thì cũng KHÔNG-NÊN-CHO-NGƯỜI-LẠ-XEM-VÍ. Vì họ có thể không lừa tiền mình ngay nhưng biết vị trí mình để ví, có thể sẽ móc túi hoặc làm bậy.

Nói chung vụ này với nhà mình đành coi là của đi thay người.

5. TÌNH HÌNH SALE

Đợt này mình sang đúng đợt sale, XXI Forever ở Central World sale mạnh tay lắm í. Mình bốt 1750baht giờ còn 550baht, áo khoác thì từ 1450-1650 baht còn 900-1000baht… XXI Forever có ở bên Siam Center, nhưng giá bên đó sale hình như ko mạnh như Central World thì phải.

Mango, Zara,… cũng đều đang sale.

Vào BigC ở tầng 1 có cửa hàng Watson cũng đang sale mua sữa tắm, giấy ướt, dầu gội,… của hãng này, chỉ cần thêm 1baht là được 1 sản phẩm cùng loại. Mình mua 1 chai dầu gội 1000ml, thơm lắm, giá 129baht. Thêm 1 baht nữa thì được 1 chai cùng thương hiệu. Làm quà rất ổn. Nói chung vào đấy cái gì cũng muốn mua.

The Coffee Bean & Tea Leaf cũng đang khuyến mại mua 1 sản phẩm tặng 1 sản phẩm. Ví dụ mình mua 6 loại coffee, họ tính tiền 3 loại coffee đắt nhất, nên mọi người cứ size lớn nhất mà lấy thì vẫn lãi to :D.

Thời tiết mấy hôm mình sang đều nắng nóng, nhưng ko dơm dớp mồ hôi như ở nhà, có hôm chiều tối hơi sầm trời nhưng ít mưa lắm.

Năm ngoái mình đi về, có đưa thông tin lên, đến năm nay vẫn thấy có mẹ đi BKK mail hỏi ^^. Nếu cần thông tin gì, có thể email cho mình ở tranthuyduong2910@gmail.com

Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2013

Đều bước đi trên đường dài




Con đường dài, nhanh bước hụt hơi, chậm bước dễ nản, nên cứ kiên trì đều bước mà đi.   
Mọi việc nhiều khi nằm ngoài tầm với của mình. 
Muốn nhanh không được, muốn chậm không xong, nên phải luôn bảo mình, cứ từ từ mà đi. 
Đi đủng đỉnh =))))))))



An Thụy

Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

Đàn ông và việc nhà =.=


Nhiều người vợ cho rằng chia sẻ việc nhà là cách người chồng thể hiện tình yêu của mình bằng hành động. Nhưng tại sao có những người yêu vợ nhưng lại chẳng muốn đụng tay?

Có thể anh ta mệt mỏi, lười nhác.
Có thể anh ta nghĩ chỉ cần mình kiếm tiền giỏi là được.
Có thể anh ta vô tâm.
Và còn một điều nữa, khái niệm chia sẻ việc nhà vốn không có trong từ điển của anh ta.


Trong n yếu tố nói trên, mình muốn đề cập rõ hơn tới yếu tố cuối cùng.

Khi một đứa trẻ từ bé lớn lên không nhận được nhiều sự yêu thương, chăm chút của mẹ, không được mẹ sai bảo, hướng dẫn làm những công việc nhà. Nó sẽ khó hiểu được những vất vả của người phụ nữ.

Và khi lớn lên, người đó sẽ coi việc nhà là của phụ nữ. Họ sẽ không hiểu nổi người phụ nữ mệt mỏi thế nào khi vừa phải lo việc cơ quan, về nhà lại phải lo việc nhà. Nếu đã từng quen với những việc giúp đỡ mẹ mình, người ta sẽ không cảm thấy ngại, bỡ ngỡ khi có cơ hội giúp đỡ người phụ nữ của mình.

Trai nước ngoài thích phụ nữ Việt vì phụ nữ Việt tự mình lo lắng hết mọi việc, từ nhỏ đến lớn. Phụ nữ Việt khi làm một việc gì, họ dễ dàng nhận việc, vì chồng vì con, chứ không hề suy tính xem làm việc đó có ảnh hưởng đến nữ quyền hay không. Sự phân chia không quá rạch ròi của người phụ nữ khiến người đàn ông cảm thấy dễ thở, họ thấy tự do và an tâm làm việc của mình.

Chứ cứ thử bắt phụ nữ Tây âu sống theo kiểu Việt Nam xem, các nàng sẽ sớm bỏ cuộc, thậm chí cãi vã vì sự không bình đẳng trong công việc. Nền giáo dục tự chủ, độc lập và sòng phẳng, giải phóng phụ nữ đã dạy họ phản ứng thay vì cam chịu rồi.

Phụ nữ Việt thích trai nước ngoài vì họ chịu khó chia sẻ công việc nhà, tự nguyện giúp đỡ. Và điều này làm các nàng so đo với trai nội.

Vấn đề là ở chỗ, trai ngoại từ bé vốn đã có tính tự lập. Bố mẹ đẻ con ra cho ngủ riêng ngay, mọi việc lớn nhỏ đều có tính tự chủ cao.

Nhiều khi họ xin tiền bố mẹ thì phải đổi lại bằng việc làm cỏ, rửa xe. Họ phải hoạt động, bố mẹ nấu nướng thì họ rửa bát. Công việc được phân chia trong vui vẻ, ai có phần người đấy.

Lớn lên một chút họ đi học, đi làm, ở riêng, sống tự túc, đều phải tự lo cho mình. Có đụng tay mới biết sự vất vả của người phụ nữ. Và họ cũng từng làm nên chẳng ngại giúp đỡ người phụ nữ của mình khi cần. Đó như là một điều tự nhiên.

Nói chung, trai Việt hay trai ngoại, ai hơn ai, đó là điều khó nói.

Trai ngoại ân cần, dịu dàng, chia sẻ đấy nhưng họ rất sòng phẳng. Liệu gái nhà mình hẹn hò với anh nào mà anh ấy coi việc share tiền hẹn hò là việc đương nhiên, ăn uống ai trả tiền nấy. Sống cùng nhau thì mọi chi phí sinh hoạt đều chia đôi. Tuy là couple nhưng lại như hai kẻ single sống chung, liệu các nàng có dễ chấp nhận?

Thì việc nhà cũng là chia đôi mà.

Còn với trai nội, đòi hỏi một người lúc nào cũng chia sẻ, thấu hiểu cho người phụ nữ, mọi việc đều san sẻ là điều khó. Những chàng trai 8x, 9x và sau này là 0x,… họ sinh ra trong thời kì mỗi gia đình chỉ có 1-2 đứa con, nhiều lắm là 3. Tuy nói tới bình quyền nhưng tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn ăn sâu trong tiềm thức con người.

Những cậu con trai trong các gia đình tới 5,6 tuổi vẫn còn được bón ăn, ăn uống chạy rong ngoài đường. Lớn một chút, tuổi niên thiếu. họ chỉ biết có học hành và chơi điện tử, thể thao, được bà/mẹ hay chị lo cho cả. Càng lớn, họ càng vươn ra đời và phó mặc những-việc-nhỏ-nhặt cho những người phụ nữ.

Những-việc-nhỏ-nhặt trong mắt họ, họ sẽ không làm, hoặc không biết làm. Và thế là các chị/các em lại có bài ca chán chồng :D.

Thế tóm lại nên lấy người như thế nào?
Hờ, đấy là một câu hỏi khó không có mẫu số chung cho mọi người. Nếu có mẫu số chung có mà thành tranh chồng của nhau hết à.

Nói tóm lại, những anh chàng mỹ nam vừa tốt tính, vừa yêu vợ, vừa biết làm việc nhà chỉ có trong phim và truyện lãng (xẹt) mạn. 

Không thể cầu toàn một anh chồng kiểu thế. Thôi thì cứ biết ăn xong, rửa bát cho vợ, biết tự thay tã cho con là tốt lắm rồiiiii.

An Thụy

Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013

[Thời niên thiếu không thể quay lại ấy]: Không tự lột xác sẽ chẳng thể cất cánh bay



Mới đọc xong “Thời niên thiếu không thể quay lại” của Đồng Hoa. Lần đầu tiên đọc truyện Đồng Hoa vì thấy có nhiều người giới thiệu là nên đọc.

Đọc xong thấy Đồng Hoa đã thổi hơi thở cuộc sống và hoài niệm vào những trang viết thời niên thiếu khiến nó rực rỡ, không kém phần lung linh nhưng hiện thực trong đó cũng nghiệt ngã chẳng kém, làm người đọc cứ bỗng dưng điểm lại những chặng trong hành trình lớn khôn của mình.


Ngay từ đầu chú ý tới nhân vật Tiểu Ba. Đấy là điều dĩ nhiên. Tại sao? Đó là một câu hỏi không-thể-nói-ra-đáp-án =)))).

Aniway, cuộc lột xác của Kì Kì là một diễn tiến thú vị. Cô ấy như một chú chim được miêu tả từ lúc sơ sinh tới khi cất cánh bay với nhiều lần tự lột xác.

Đồng Hoa miêu tả rất thú vị, mỗi một thiếu niên như một chú chim. Có người cất cánh, có người không thể cất cánh nổi vì hoàn cảnh, có người lại vì gia thế mà chặt mất cánh trước khi kịp bay.

Thiếu niên luôn mơ mộng, giấc mộng thường bay bổng. Hiện thực thì tàn khốc. Nếu không tự lột xác để tiến lên, sẽ không thể cất cánh bay. 

Đọc được 2/3 truyện, mình đã nghĩ thế này: Kì Kì cất cánh bay được, ngoài sự nỗ lực bản thân, tư tưởng thoáng của gia đình, còn nhờ những chỗ dựa vững chắc.

Trần Kính xuất hiện vài lần trong truyện, nhưng lại là một nhân vật quan trọng.

Trong quãng đời vượt qua niên thiếu, Trần Kính luôn như người bay trước dẫn đường, Tiểu Ba như một sân đỗ vững chãi, còn Trường Tuấn như một người nâng cánh bay cùng.  Tuy Trần Thanh Tùng, Lâm Lam chỉ xuất hiện chớp nhoáng, nhưng mình thấy họ cũng như Trương Tuấn, như những người nâng cánh bay cho Kì Kì.

Trần Kính cũng như Tiểu Ba, đều có con mắt nhìn xa trông rộng, biết rằng Kì Kì tuy học hành phất phơ nhưng lại có tố chất bay cao. Họ xuất hiện ở một phần trong cuộc đời của Kì Kì, nhưng định hướng cô mãi mãi.

Trần Kính dạy Kì Kì cách tư duy, Tiểu Ba dạy cô cách bảo vệ mình. Trần Kính truyền thụ những kinh nghiệm cốt lõi của thành công, Tiểu Ba tránh đường cho Kì Kì bay. Tiểu Ba biết nếu Kì Kì còn gặp mình, cô sẽ không thể bay cao bay xa. Mà Kì Kì một khi đã bay thì anh không thể đuổi kịp.

Nhưng thay vì giữ cô em gái bé bỏng bên mình, anh lại chọn cách tạo cơ hội cho Kì Kì bay, nó giống như anh gửi mơ ước vào cô bé sẽ bay thay mình.

Thực ra, mình thấy Tiểu Ba giống như một sân bay. Anh tạo đường băng cho Kì Kì cất cánh, dõi theo cô như một đài quan sát.

Nhưng có một điều thú vị là chim tránh rét sẽ bay về phương nam, máy bay hết hành trình thì sẽ tìm điểm đỗ, nên mình có hy vọng rằng người Kì Kì gặp ở bờ sông 10  năm sau chính là Tiểu Ba.



Còn về Trần Kính, mình đoán rằng cậu ta cũng thấy Kì Kì rất thú vị. Thiên tài như một ông vua con cô đơn trên đỉnh vinh quang. Cậu ta nói những điều người khác khó hiểu nhưng lại luôn bị người ta làm phiền. Không hẳn cậu ta muốn làm người khác rối đầu, hẳn là vì có nói ra người ta cũng không tin. Sự tư duy vượt mức thông thường nhìn thấu vấn đề khó khăn thấy cái cốt lõi đơn giản, nói điều đơn giản ấy với người khác, người ta tự nhiên thấy đơn giản thế sao mình làm không được nên trở thành hoài nghi.

Hơn nữa, chẳng có đáp án tròn trịa nào cho tất cả các câu hỏi. Nó giống như phương pháp học tập, với mỗi người mỗi khác, tùy tốc độ tư duy và phương pháp tiếp cận nên cuối cùng vẫn phải là tự bản thân trả lời cho chính mình để có đáp án phù hợp nhất.

Trần Kính từ nhỏ luôn bị bạn bè vây quanh để hỏi han nên sớm thấy chán ngán. Vớ đúng Kì Kì ngồi cùng lười học, bỗng nhiên lại thấy thoải mái, tự nhiên hướng dẫn cô bạn phương pháp học của mình.

Giống như một sư phụ trong truyện kiếm hiệp, Trần Kính chỉ cho Kì Kì những điểm cốt lõi nhất, nhiều khi chính Kì Kì còn chưa hiểu lắm nhưng cuối cùng cũng tự rèn luyện mình để cứng cáp hơn.

Nếu mình mà là Trần Kính, chắc chắn mình sẽ cảm thấy thú vị. Thú vị vì có thể khai dẫn cho một cô bạn học hành phất phơ phát huy được hết tiềm năng. Giống như khi mình tiến ba bước, người phía sau cũng tiến từng bước một, cùng nhau tiến bước về phía trước, điều đó thật tuyệt vời biết bao.

Nhất là khi cậu ta là một Thần Đồng thì nếu có người chạy đuổi theo mình chắc sẽ cảm thấy bớt cô đơn hơn. Thậm chí có thêm động lực để phấn đấu, tự tiếp tục phá vỡ những giới hạn bản thân.



Có thể người khác sẽ hỏi Trần Kính không sợ bị vượt mặt sao?
Haha, điều này chắc chỉ Trần Kính hiểu. Thế giới này vẫn còn rộng lớn lắm. Nếu cứ nghĩ cần phải giẫm đạp lên nhau mà sống, vô hình đã thu hẹp thế giới dưới gót giày của mình, tự đóng khung lại giới hạn của bản thân. Khi bị chèn ép trong khuôn khổ, tự nhiên sẽ không thấy được những điều mới mẻ, khó lòng bứt phá khỏi điểm nút để tạo ra bước nhảy.

Còn nếu cứ thích giẫm đạp, chèn ép lẫn nhau, dễ sẽ thành lưỡng bại câu thương. Có những nhân quả trả ngay tức thì, nhưng có những chuyện trả dài theo nghiệp kiếp. Rốt lại, toan tính nhiều lại chẳng biết ai hơn ai.
Rất ấn tượng hình ảnh khi Trần Kính đứng nói chuyện với Kì Kì khi quay về trường cũ chia sẻ kinh nghiệm. Câu hỏi của Trần Kính đơn giản chỉ là “Thấy không?”, Kì Kì trả lời: “Thấy được.”

Hỏi gọn, đáp gọn nhưng lại đầy cảm giác. Họ nói với nhau những chuyện người khác nghe có thể không hiểu, nhưng họ hiểu. Vì họ đứng với nhau trong cùng một thế giới. Đó không phải thế giới của những người đang yêu mà là thế giới của những người trẻ nhiệt tình hăm hở tiến về phía trước với sự tự tin đầy ắp. Họ biết mình sẽ trở thành ai, biết cách hoạch định tỉ mỉ để tương lai nằm trong tay mình. Đó không phải là thứ tương lai mơ hồ hay bay bổng mà những người bạn cùng trang lứa đang có.

Những người khác khi nhìn họ, nghe họ nhưng không hiểu họ, không tự tin được như vậy nên tự nhiên có áp lực. Mà khi có áp lực người ta dễ buông tay. Đã buông rồi tự nhiên sẽ thụt lùi. Trong lúc đó, những ai tự-vượt-qua-giới-hạn của mình, dù chỉ nhích thêm từng chút xíu một thì khoảng cách vẫn là kéo dần xa.



Tuy Kì Kì luôn nghĩ rằng mình cần bay xa để giúp mơ ước của Tiểu Ba được hoàn thành, nhưng trên đôi cánh của cô ấy còn có những kì vọng khác. Trần Tùng Thanh hay Lâm Lam, mỗi người chỉ xuất hiện chút xíu nhưng mình cảm nhận rằng họ ở đâu đó bên đôi cánh của Kì Kì.

Người vì gia cảnh không tốt phải từ bỏ Đại Học, người vì không chịu nổi sức ép phải tự bỏ kì vọng với bản thân. Họ đều là những chú chim bị chặt cánh trước khi bay. Hơn ai hết, Kì Kì nhìn thấy được tâm tư của họ, hiểu được kì vọng họ dành cho mình. Có thể người ta thấy Kì Kì bay vì Tiểu Ba, vì chính bản thân cô, nhưng cô cũng đang bay trên ước vọng của người khác dành cho mình.

Nghĩ thế nào cũng thấy cuộc chia tay giữa Trần Tùng Thanh và Kì Kì khi học lớp 8 rất xúc động. Không nước mắt, mối quan hệ cũng không rõ ràng, chỉ nói với nhau vài câu nhưng lại khiến người ta thấy cuộc sống thật nhiều khó khăn.

Trương Tuấn nâng cánh cho Kì Kì bay nhưng cuối cùng lại tự tụt lại phía sau. Đồng Hoa viết rằng Trường Tuấn không tự tin vào tình yêu, vì cô gái cậu ta yêu quá lý trí khiến cậu ta lúc nào cũng bất an rằng nàng sẽ sớm bỏ lại cậu phía sau để bay về phía trước.

Còn mình thì nghĩ sự mệt mỏi của Trương Tuấn còn đến từ một khía cạnh khác. Trương Tuấn cho rằng Kì Kì càng giỏi, nàng càng bước chân vào một thế giới khác mà cậu không thể tới được, nên buông tay để nàng tìm một người tương xứng hơn.

Nhưng nếu đặt ngược vấn đề,  Tiểu Ba là người đồng hành với Kì Kì, liệu anh có mệt mỏi không? Chắc không!

Câu trả lời là vì lý tưởng của họ khác nhau.

Vì xuất phát điểm của Tiểu Ba không tốt nên anh phải lao về phía trước, lý tưởng của anh là thoát khỏi thế giới của anh Lí, của Ô Tặc để bước vào một thế giới khác, nơi được dệt nên từ tri thức.

Trước khi Kì Kì kịp định hình được nơi mình sẽ đến, kì vọng của Tiểu Ba đã đẩy nàng về phía trước. Nàng dò dẫm đi về phía trước với động cơ của người khác, nhưng rồi dần tìm đúng đường, bị say mê với thế giới tri thức ở phía trước nên từ đó biến động-lực-vì-người-khác thành lý-tưởng-của-chính-mình.

Theo mình, so với thất bại, mơ hồ đáng sợ hơn. Khi ấy không biết mình đi về đâu, không biết mình sẽ là ai, tương lai sẽ thế nào. Còn nếu đã có đích để hướng tới, mường tượng được thế giới của mình thì dù chạy hay bò, nếu đủ quyết tâm và kiên nhẫn, cuối cùng cũng sẽ thấy cánh cổng tới thế giới ấy.

Trương Tuấn tuy thông minh nhưng cuối cùng lại trở thành chạy đuổi theo Kì Kì. Cậu ta thấy Kì Kì cứ băng băng về phía trước nên tự động thúc ép mình phải bắt kịp. Lý tưởng thủa 19 của Trương Tuấn chính là Kì Kì chứ không phải là thế giới phía trước mà Kì Kì đang hướng đến.

Nếu cùng chung một lý tưởng, dù nhanh dù chậm cũng có thể hướng tới cùng nhau. Nhưng vì lý tưởng vốn đã khác nhau. Chạy đuổi chỉ khiến người ta thêm mệt mỏi. Càng chạy Trương Tuấn càng cảm thấy mơ hồ với lý tưởng của mình nên việc cậu ta chia tay là chuyện dễ hiểu.




Trong 10 năm không gặp, Kì Kì dần bước vào thế giới mà Tiểu Ba mong được đến. Cũng vì nàng, anh mở hiệu sách Bên Dòng Nước. 


Mơ ước thiếu thời của Tiểu Ba, Kì Kì làm được. Mong muốn bồng bột trong phút chốc ở thủa hoa mộng của nàng, anh cũng đã làm xong.

Họ cứ từng bước một thực hiện điều người kia tâm niệm. Vốn không ai có thể gồng mình sống cả đời vì một người khác. Nếu chỉ dốc lòng dốc cố sức vì người kia, có lẽ cả hai đều sẽ sớm bỏ cuộc. Vì họ biết rằng trong cuộc đời này, cơ hội còn được gặp nhau nữa có là bao.

Họ từ sớm vốn đã tâm ý tương thông, đã biến mơ ước của người kia thành đam mê của mình, có như vậy mới không bị gánh nặng cuộc sống làm lay chuyển mục tiêu. 



10 năm trước, thế giới của nàng rất nhỏ bé với những người bạn lớn lên thời niên thiếu.
10 năm sau, thế giới của nàng đã rộng lớn lắm rồi, nàng đặt chân tới nhiều nơi, học nhiều điều, sống không chỉ bằng lý trí quật cường nữa mà đã dám thành thật với trái tim.

10 năm trước, anh trong vòng phức tạp, đứng giữa đủ loại người mơ ước về một tương lai sáng lạn.
10 năm sau, thế giới xã hội của anh cũng đã rộng thêm bội phần, anh đủ khôn ngoan để tránh những mời mọc của xã hội, xã giao nhiều nhưng thế giới trong lòng lại rất nhỏ bé với những người anh em đi ra từ chỗ sinh tử.

Giữa xã hội trưởng thành đầy phức tạp, dòng xoáy thời gian cuồn cuộn chảy trôi, họ bỗng nhìn ra vị trí của mình trong lòng người kia. Dòng nước chảy đi, phù sa lắng lại. Quả thực để một tình cảm trong vòng xoáy cả thập niên mới ngộ ra hết quả thực là thử thách.

Nhưng nếu 10 năm trước, Tiểu Ba yêu Kì Kì, biết đâu trong một phút tự tin nào đó cũng sẽ như Trương Tuấn, tự động rút tay. Bởi trong tình yêu ai chẳng có một phần ích kỉ. Và tình yêu của ngày ấy cũng sẽ khó lòng toàn vẹn khi Kì Kì vẫn cứ dõi theo Trương Tuấn với ánh mắt khó rời.

Nên dù có là 10 năm, tình cảm của Tiểu Ba với Kì Kì vẫn không đáng tiếc. Nó cho nàng thời gian để thành thật với trái tim, khiến lý trí bớt cứng đầu và cũng cho khiến anh phải thừa nhận tình cảm đã có vượt xa tình anh em.

Nếu không có 10 năm, sợ rằng Tiểu Ba vẫn sẽ nhập nhằng giữa tình yêu và tình thân. Cảm giác tương giao với người tri kỉ tri âm thực khó xóa nhòa. Nếu trót đã có thì sẽ đeo đẳng trong lòng khiến người ta mải miết tìm không thôi. Tìm lại được là may, còn không, cả đời sẽ cứ thắc thỏm sống với mảnh hồn trần khuyết thiếu trong tâm tư. 


Kết thúc truyện là mở, nhưng mình hy vọng một cái kết thiên về Tiểu Ba.

Mặc dù Tiểu Ba cho rằng thế giới của anh và thế giới của Kì Kì khác nhau, anh học tới lớp 12 đã bị đuổi còn nàng học trường danh tiếng, đi du học nhưng ở cả hai lại cùng một hệ tư tưởng.

Ranh giới giữa cả hai chỉ là học vấn, khi Kì Kì thẳng đường đi thì Tiểu Ba cũng bước trên con đường vòng. Họ vẫn đang tiến về thế giới lý tưởng của mình theo những cách khác nhau. Và điều ấy giúp họ gắn kết với nhau, mãi mãi. 





*** Aniway, mặc dù Trương Tuấn đi xuyên suốt trong tiểu thuyết này nhưng với mình hình ảnh không mạnh bằng Tiểu Ba. Các đoạn ngoại truyện về Tiểu Ba rất hay, rất có hình ảnh. Đọc sang đầu tập 2 mình đã nghĩ tới cuốn “Nhắm mắt thấy Paris” của Dương Thụy. Hehe, nhiều đất sống không có nghĩa sẽ là người đi tới tận cùng.
 
Hix, hơn 2.500 từ của tôi ="=.

3h39’ – 23/2/2013
An Thụy


Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Đặt gạch xây thế giới đâu dễ



Viết truyện khá lâu để biết sắp đặt cho một diễn tiến. Nó giống như kiểu mì ăn liền. Có một mô-tuýp chung để biết rằng truyện sẽ đi theo hướng như thế nào, như thế nào là thành một câu chuyện.

Nhưng đấy là thời viết truyện ngắn.
Giờ thử sức với thể loại viết truyện vừa và dài. Bỗng thấy mình như cá giữa biển lớn. Lại thấy mình ham đọc hơn ham viết.

Để cho ra những thứ tạm-chấp-nhận không khó nhưng viết được những điều khiến mình tâm đắc khó vô cùng.
Ngày hôm nay có thể là hài lòng đấy, nhưng mai đọc lại, bỗng thấy thiếu muối vô cùng.
Cảm giác kích động khi đọc những dòng của ngày hôm nay khác với cảm giác của ngày mai, ngày kia, và nhiều ngày sau nữa.

Liệu rằng người đọc sau khi đọc xong, có kích động như lần đầu của mình không?
Liệu rằng họ có còn muốn đọc tới lần thứ hai, lần thứ ba…?
Liệu họ có sẵn sàng mở sách ra đọc lại dù câu viết đó đã luẩn quẩn trong đầu họ rồi không.

Đôi khi mình đọc sách, giở sách để đọc vài câu viết mình thích ở trong một cuốn sách nào đó. Tự nhiên lúc đó thừa biết giở sách ra sẽ tìm thấy. Đầu óc cũng đã mường tượng được phần nào câu nói/câu viết đó. Cái mình cần không hẳn là sự chính xác của câu nói/câu viết đó, mà là cảm giác.

Cảm giác khi nhân vật nói câu nói đó, hay khung cảnh tác giả đưa ra câu viết đó. Bối cảnh câu chuyện như một bức nền làm nổi trội những ý tinh hoa.

Phát triển được ý tinh hoa đã khó, xây một cái nền vững chắc khiến người ta ghé mắt vào đó là ngã, là không gượng dậy được, phải lật giở nhiều trang tiếp theo mới là khó.

Cứ nói là viết cho thỏa đam mê. Nhưng đam mê như ngọn lửa, chẳng thể nào cháy mãi. Nếu không có người đọc, ngọn lửa cháy bùng rồi sẽ tắt ngóm. Và người viết khi ấy sẽ như người đi giữa đêm đen. Viết được thứ tâm đắc, ai mà chẳng thích. Nhưng đó là một thế giới đóng, sẽ không thể biết thứ tâm đắc đó có thực sự đáng rung động, hữu dụng hay chỉ là mình đang làm quá với bản thân.

Như Guillaume Musso viết trong “Cô gái trong trang sách” thì thế giới của nhà văn chỉ được xây dựng khi những cuốn sách có người đọc. Nó như việc dệt mộng của Quân Phất trong “Hoa Tư Dẫn”, dệt nên những thành trì tưởng tượng để người ta chìm đắm trong đó, mê man trong đó, hạnh phúc, lo lắng lẫn sợ hãi, đau buồn. Kích thích được cả hỉ-nộ-ái-ố của người đọc là một thành công lớn của nhà văn.

Điều ấy đòi hỏi những câu chuyện bứt phá khỏi những mô tuýp thông thường hoặc đánh trúng những tâm lý ẩn sâu trong lòng mỗi người. Giờ văn học tràn lan. Sách cũng nhiều, ebook cũng lắm. Những câu chuyện mang diễn tiến nhàn nhạt đôi khi khiến mình sợ.

Mình cũng sợ viết ra những câu chuyện như thế. Sợ mình nhàn nhạt, sợ mình đẩy truyện  trôi theo kiểu đọc ngay chương đầu đã biết kết thúc rồi sẽ như thế nào. Sợ thế giới mình đặt gạch chẳng hề hoa mỹ, rộng lớn như mình tưởng mà trong đầu người đọc, nó chỉ là túp lều bé tí, xấu xí, rộng độ mươi bước chân.

Rốt lại cái cần là cảm giác khác lạ. Nếu bạn giống tôi, tôi giống người ta. Chúng ta có hương vị từa tựa nhau. Vậy sao tôi cần đọc của bạn? Kiểu kiểu như thế.

Đọc sách mà không thấy đồng cảm, không thấy rung động, không thấy nhân sinh quan ngộ ra điều gì. Liệu người ta có còn đọc không?

Ngộ thêm một điều nữa là cần phải nâng cao quan điểm dần lên. Nó không phải kiểu “nâng tuổi bạn đọc” như bạn Trần Gia luôn lải nhải: “Truyện là phải có cảnh 18+ hay thuốc súng”. Nó là kiểu muốn nhắm tới đích này, nhưng lại chỉ bắn tới đích kia. Đích này đứng sau đích kia một quãng, ai nhìn thì nhìn, ai không nhìn được thì thôi.

Viết như một thú chơi, có người đồng cảm được là tốt, mà yêu thích thôi cũng là được rồi.

Cơ mà nghĩ dễ, làm khó nên cứ bắt đầu bằng nghĩ đã =)))).

Xây dựng một truyện không dễ. Để mình chấp nhận đã khó. Để người khác chấp nhận thế giới mình tạo ra còn khó hơn. Nhưng biết làm sao được, ai bảo trót mê mẩn cảm giác khi viết được điều gì tâm đắc. Mê cảm giác như yêu, như say ấy, phê phê sung sướng. Dù lúc ấy, cái sung sướng ấy chỉ mình mình hưởng.

Tuổi còn trẻ còn dám cầy xới, chứ thành lão thành chắc chẳng đủ tự tin viết tềnh êu tềnh đương nữa. Haha.

Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

Đi về phía chưa rõ lối




Nếu chọn đường bằng phẳng, tôi đã đi một con đường khác.
Đường hiện giờ chưa rõ lối, nhưng tôi biết mình phải đi về phía ấy.
Liệu sẽ lên đỉnh núi hay xuống thung lũng.
Tôi cũng chưa biết.
Nhưng hãy cứ đi đã.
Để lỡ điều khiến mình rung động, tôi sẽ lững lờ trôi giữa cuộc đời này thôi.

19.02.2013

À, hôm qua mua kính áp tròng 14dp.
Lần đầu tiên nhìn thấy mình trong gương, ở khoảng cách gần, trông rõ đến thế.

Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013

[Hoa Tư Dẫn]: Điều tìm kiếm suốt cả đời người rốt lại cũng chỉ là "Nhất thế trường an"




Vốn chẳng thích truyện Trung Quốc. Phải 6,7 năm không đọc. Vô tình nghe mọi người nói nhiều về truyện của Đường Thất Công Tử nên ham hố đọc vui. Ngốn hết “Tam sinh tam thế, thập lý hoa đào” trong chưa đầy hai ngày. Rồi chuyển sang đọc ebook “Hoa Tư Dẫn”.

Đọc xong có chút choáng ngợp.

Đọc xong “Hoa Tư Dẫn” thấy ấn tượng bởi cách dẫn truyện vào mỗi câu chuyện một khác. Mỗi chuyện tình lại một nhẽ.

Lúc đầu đọc giới thiệu về “Hoa Tư Dẫn” thấy hơi chán ngán, nhưng thấy nhiều người khen mới quyết đọc xem. Hóa ra hấp dẫn như lời đồn.

Trong “Hoa Tư Dẫn” bị ấn tượng bởi cặp đôi đầu tiên, Tử Ngưng và Thẩm Ngạn. Không khỏi bồi hồi khi nghe chuyện nàng phi qua sa mạc, lật hơn 2.000 xác chết để tìm người yêu. Nhưng vì ông trời ngủ gật mà để Thẩm Ngạn khi tỉnh dậy lại nhận lầm người cứu mình là cô gái câm.

Mối tình Oanh Ca và Dung Viên thì ấn tượng cảnh cả hai tới sòng bạc. Chàng từ chối lấy vợ ra cược với một tay chơi chuyên nghiệp. Chàng không coi nàng như món đồ, một cây đao như người cháu Dung Tầm. Chàng biết nàng từng là sát thủ, nàng luôn muốn thừa cơ chạy trốn. Và chàng đã tặng nàng cơ hội chạy thoát khỏi tay mình.

Dung Viên đưa bảo kiếm cho Oanh Ca đi đổi bạc, chàng thừa biết mình đang tạo một con đường tốt cho nàng chạy trốn, khỏi lầu son gác tía, về với tự do mà nàng đã đánh mất thủa 16.

Khi thấy ông chủ sòng bạc dâng bạc trả mình, Dung Viên thầm nghĩ cuối cùng nàng cũng ra đi. Ván bạc chưa chơi cũng chẳng cần chơi nữa, 10.000 thầu bạc bỏ mất cũng thôi. Nó coi như trả cho ván cược mà chàng đánh với lòng mình, rằng nàng đi hay ở, cột cuộc đời mình với chàng hay tự do sống đời lãng khách.

Chàng thua, mặt không biến sắc, như thể chưa từng tới sòng bạc, chưa từng mất bạc, chưa từng mất tình. Cứ chỉ ngẩn ngơ. Để rồi sững sờ khi biết nàng không đi mất, mà chỉ lẩn khuất ở tầng 2 xem canh bạc. Nàng đã chọn ở lại vì nàng biết mình được yêu, chứ không phải bị lợi dụng như đã từng.

Nói chung chuyện tình của Công Tử Phỉ và Khanh Tửu Tửu không làm mình ấn tượng nhiều. Chuyện tình giữa Mộ Dung An và Tô Hoành tuy chỉ là một đoạn ngắn nhưng mình lại thấy đoạn kết của họ viên mãn.

Xuyên suốt các cuộc tình, các đoạn mộng là chuyện tình giữa Mộ Ngôn và Quân Phất. Nó không có xuất xứ kiểu như “có nhân có quả” như “Tam sinh tam thế” nhưng cũng không đến nỗi quá bi lụy.

Thực sự thì Mộ Ngôn và Quân Phất có thêm 15 năm cũng là may. Dẫu sao họ cũng không đến nỗi bi thương như Tử Ngưng chờ đợi tình cảm vô phương nơi Thẩm Ngạn, bị dằn vặt như Công Tử Phỉ, hay như Tô Hoành khốn khổ một đời nhìn về tình cũ.

Đoạn kết của “Hoa Tư Dẫn” khiến mình nhớ đến Dương Quá và Cô cô trong “Thần điêu hiệp lữ” khi Dương Quá về uống rượu rồi nhảy xuống vách núi, chết theo Cô cô sau khi chàng đã thành danh trong giang hồ. Nhưng rồi cả Dương Quá và cô cô đều không chết. Còn Mộ Ngôn và Quân Phất đều chết. Nhưng có ai trên đời này là không chết đâu?

Nếu như Bạch Thiển Thiển sống hàng vạn năm, Dạ Hoa phải chết chả biết bao giờ tương sinh thì mới là đau khổ. Đau khổ tới hàng trăm, hàng vạn năm. Người chết rồi còn níu hi vọng mong manh gặp nơi âm cảnh. Nhưng thần chết rồi biết níu vào điều gì đây? Thế giới hỗn mang, đều hóa cát bụi rồi liệu có còn nhận ra nhau?

 Còn Mộ Ngôn và Quân Phất dù sao họ cũng đã chia nhau mạng sống, người này đi trước người kia 7 năm thì cứ cho là họ sẽ gặp lại nhau ở một cõi nào đó sau hồng trần này đi.

Dù là truyện viết thiên về tình yêu, nhưng “Hoa Tư Dẫn” cũng có nhiều điều hay ho. Công nhận Đường Thất Công Tử có nhiều chiêm nghiệm hay, cũng như ý tưởng phong phú, dẫn truyện cũng thú vị.

Ai trong đời chẳng có mộng. Hoa Tư Dẫn là để đi vào mộng nhưng với mỗi người một kiểu. Nếu như Tử Ngưng quyết ở lại trong mộng đẹp, dù người chồng đã chết thì Oanh Ca lại thoát ra khỏi mộng.

Nó giống như cách ứng phó của mỗi  người với khó khăn trong cuộc đời. Tử Ngưng thà chấp nhận cô quả trong mộng nhưng được chồng yêu còn hơn chấp nhận đời thực người mình yêu lại lạnh nhạt với cô.

Trốn vào trong mộng, nương nhờ mộng cảnh cũng là cái khổ. Tử Ngưng trốn chạy hiện thực để rồi không biết rằng cuối cùng Thẩm Ngạn cũng vỡ lẽ, nhưng cô đã chết rồi. Ai dám bảo chạy trốn với đối mặt, kết cục nào tốt hơn?

Trong “Hoa Tư Dẫn” có lắm nỗi bi lụy, tình yêu nào cũng có những đau khổ, bởi vì thế mà người ta nương vào các giấc mộng. Nhưng chẳng hiểu sao mình vẫn cảm thấy một trong hai khung cảnh xót xa nhất là chuyện tình của Tử Ngưng – Thẩm Ngạn và khi Mộ Ngôn đánh đàn suốt một ngày dài tại động mà Quân Phất trốn.

Người máu lạnh nhất trong “Hoa Tư Dẫn” phải là Khanh Tửu Tửu, không phải sát thủ Oanh Ca. cho đến phút chót, mình vẫn thấy chuyện tình Công Tử Phỉ - Khanh Tửu Tửu chưa khiến mình “thấm”. Cảm thấy là chuyện tình “gợn” nhất trong “Hoa Tư Dẫn”. Nó là một trong 3 truyện tình giữa ma với người: Mộ Ngôn – Quân Phất, Mộ Dung An – Tô Hoành, Khanh Tửu Tửu – Công Tử Phỉ.

Và dù Quân sư phụ có không thích đi chăng nữa, mình vẫn thấy mối tình giữa Mộ Dung An và Tô Hoành không đến nỗi đáng căm giận quá. Hóa ra đó cũng là Hoa Tư Mộng đẹp nhất vì Tô Hoành sắp chết lại được lợi vì được ra đi trong mộng đẹp. Chẳng hiểu sao khi nghĩ về chuyện tình của 2 người này, mình cứ nghĩ tới câu “Nhất thế trường an” (Trọn đời bình an) mà cả hai treo trước cửa nhà khi họ sống với nhau lúc Tô Hoành chưa xuống núi làm Thế tử.

Cũng vì câu “Nhất thế trường an” này, mà khi biết Tô Hoành chọn ở trong mộng, chọn Mộ Dung An thay vì vương vị, mình đã nghĩ rằng họ sẽ hạnh phúc, trọn đời bình an. Chính vì thế mà không nghĩ tới cái chết hóa ngàn bươm bướm đỏ ở trận địa của Mộ Dung An hay sự già nua, mệt mỏi luyến ái tình cũ vì trót chọn vương vị của Tô Hoành trong đời thực.

Còn những giấc mộng còn lại, ai nấy đều chứa chan đau khổ.

Tử Ngưng chết rồi, Thẩm Ngạn ôm bình tro của nàng chết nơi chiến trường. Chàng tưởng thắng trận đến nơi, cuối cùng lại để cho đối phương giết chết mình, bại trận làm bao người khổ theo.

Cẩm Tước lấy được Dung Tầm, được chàng yêu nhưng rồi lại giết chàng trong mộng vì nàng không thể nhẫn tâm làm điều đó trong thực tế. Hạ sát chồng, tự sát trong mộng cuối cùng lại là cách nàng chọn vĩnh biệt cuộc đời.

Nhưng nếu sống có lẽ Cẩm Tước sẽ còn đau khổ hơn khi biết giữa mình và chị gái, Dung Tấm hóa ra yêu chị mình. Nàng chỉ là một cái bóng e lệ, dịu dàng, giam cầm hình ảnh Oanh Ca trong đó.

Còn Dung Tầm, cuối cùng chàng cũng có ngai vị nhưng trái tim héo úa. Chàng để vợ mình chết để chọn Oanh Ca. Rồi Oanh Ca cũng bỏ chàng để chết bên Dung Viên. Ngay từ đầu chàng đã nhầm lẫn. Chàng không cho phép mình yêu sát thủ số 1 của mình, để rồi nghĩ rằng mình yêu Cẩm Tước. Đến khi mất báu vật trong tay mới biết mình yêu ai hơn.

Dung Tầm, cuối cùng sao chàng lại thua Dung Viên? Vì chàng biến một cô gái đơn thuần thành sát thủ, giết người đến độ chàng thấy quá lạnh lùng. Còn Dung Viên, đã gỡ lớp vỏ bọc tanh mùi máu của sát thủ để Oanh Ca về làm một cô gái vô ưu vô tư. Đến lúc ấy, Dung Tầm nhận ra trái tim của mình cũng đã muộn quá rồi. Cuối cùng, chàng là người duy nhất sống sót trong chuyện tình lằng nhằng ấy, và cũng là người không hạnh phúc nhất khi nhìn người khác bỏ mình mà đi.

Oanh Ca, nàng chọn cách chết cùng Dung Viên trong lăng mộ sau khi biết sự thật về chàng trước lúc lâm chung. Nàng là người nghĩa khí, cuối cùng tự chọn cho mình một kết thúc, muốn được cứu em gái, đổi sinh mạng chứ không muốn trong giấc mộng viên mãn được người khác dệt nên. Nhưng rốt cục nàng cũng không được lựa chọn khi Dung Tầm quyết cứu Oanh Ca thay vì Cẩm Tước. Nhưng nếu Cẩm Tước sống dậy cũng sẽ không hạnh phúc khi biết trái tim Dung Tầm đổi chủ ra sao.

Công Tử Phỉ và Khanh Tửu Tửu mỗi người đều quên đi một giai đoạn trong cuộc đời của mình. Chuyện tình của họ luôn có câu hỏi treo lửng lơ: “Tôi tồn tại vì điều gì?”. Lừa gạt, dã tâm, cuối cùng là bi đát.

Khanh Tửu Tửu chết để bảo vệ Công Tử Phỉ, còn chàng sau khi uống thuốc nhớ lại chuyện xưa thì lại sống trong ảo mộng nhớ thương. Ảo mộng này không phải do Quân Phất dệt nên, nên nó làm người ta ngây dại.

Mộ Ngôn cuối cùng là người tỉnh nhất. Vì chàng kiên tâm nên đi ra khỏi giấc mộng. Và chỉ có thể nói chuyện tình giữa chàng và Quân Phất là duyên phận thôi.

Có phải ai cũng chịu cưới một cô dâu đã tắt thở?
Lập hậu là một tấm bài vị?
Chia 15 năm tuổi của mình cho một ai khác?

Mộ Ngôn là người giỏi tính toán nhưng rốt lại cũng không tính toán nổi với ông trời.
Giống như chuyện chẳng có ai hoàn mỹ, Mộ Ngôn có điểm yếu Quân Phất. Cũng giống Dương Quá có cánh tay cụt thôi.

Mình đã tiếc rất nhiều về cánh tay cụt của Dương Quá, nếu không chàng đã là người thập mỹ thập toàn rồi. Haizzzzz.

Nói đi nói lại cũng chỉ là truyện ảo mộng thôi. Nó vốn ảo mộng, sinh ra từ tâm tưởng của người viết nên chẳng có gì là thực để mà so sánh.
Nhưng dẫu sao xây dựng được một thế giới ảo mà khiến người ta chìm đắm trong đó, muốn thở trong đó, nhìn nhân vật và quan điểm trong đó mà suy ngẫm, muốn được luận bàn, nói về nó… thực là một thành công của tác giả. Ít ra còn muốn nói về câu truyện trong ấy, còn nghĩ đến và vương vấn cũng có nghĩa là dư vị đậm sâu.

Ây dà, viết truyện được như thế khó lắm đấyyyyyy.
Phải đi ngủ và ngẫm nghĩ về chuyện này thôi.                    

Mà rốt lại mình cũng chỉ mong mấy chữ: “Nhất thế trường an” thôi. 
Những người tìm mộng đẹp chẳng phải cũng thế sao?

27.01.2013
An Thụy

“Trảm long”: Hành trình giành lại tự do từ tay số phận

Đêm qua mới đọc xong tập cuối của “Trảm Long”. So với ba phần trước, “Thiên địa phong thủy” kém hấp dẫn nhất. Nhưng khép lại trang ...