Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Đặt gạch xây thế giới đâu dễ



Viết truyện khá lâu để biết sắp đặt cho một diễn tiến. Nó giống như kiểu mì ăn liền. Có một mô-tuýp chung để biết rằng truyện sẽ đi theo hướng như thế nào, như thế nào là thành một câu chuyện.

Nhưng đấy là thời viết truyện ngắn.
Giờ thử sức với thể loại viết truyện vừa và dài. Bỗng thấy mình như cá giữa biển lớn. Lại thấy mình ham đọc hơn ham viết.

Để cho ra những thứ tạm-chấp-nhận không khó nhưng viết được những điều khiến mình tâm đắc khó vô cùng.
Ngày hôm nay có thể là hài lòng đấy, nhưng mai đọc lại, bỗng thấy thiếu muối vô cùng.
Cảm giác kích động khi đọc những dòng của ngày hôm nay khác với cảm giác của ngày mai, ngày kia, và nhiều ngày sau nữa.

Liệu rằng người đọc sau khi đọc xong, có kích động như lần đầu của mình không?
Liệu rằng họ có còn muốn đọc tới lần thứ hai, lần thứ ba…?
Liệu họ có sẵn sàng mở sách ra đọc lại dù câu viết đó đã luẩn quẩn trong đầu họ rồi không.

Đôi khi mình đọc sách, giở sách để đọc vài câu viết mình thích ở trong một cuốn sách nào đó. Tự nhiên lúc đó thừa biết giở sách ra sẽ tìm thấy. Đầu óc cũng đã mường tượng được phần nào câu nói/câu viết đó. Cái mình cần không hẳn là sự chính xác của câu nói/câu viết đó, mà là cảm giác.

Cảm giác khi nhân vật nói câu nói đó, hay khung cảnh tác giả đưa ra câu viết đó. Bối cảnh câu chuyện như một bức nền làm nổi trội những ý tinh hoa.

Phát triển được ý tinh hoa đã khó, xây một cái nền vững chắc khiến người ta ghé mắt vào đó là ngã, là không gượng dậy được, phải lật giở nhiều trang tiếp theo mới là khó.

Cứ nói là viết cho thỏa đam mê. Nhưng đam mê như ngọn lửa, chẳng thể nào cháy mãi. Nếu không có người đọc, ngọn lửa cháy bùng rồi sẽ tắt ngóm. Và người viết khi ấy sẽ như người đi giữa đêm đen. Viết được thứ tâm đắc, ai mà chẳng thích. Nhưng đó là một thế giới đóng, sẽ không thể biết thứ tâm đắc đó có thực sự đáng rung động, hữu dụng hay chỉ là mình đang làm quá với bản thân.

Như Guillaume Musso viết trong “Cô gái trong trang sách” thì thế giới của nhà văn chỉ được xây dựng khi những cuốn sách có người đọc. Nó như việc dệt mộng của Quân Phất trong “Hoa Tư Dẫn”, dệt nên những thành trì tưởng tượng để người ta chìm đắm trong đó, mê man trong đó, hạnh phúc, lo lắng lẫn sợ hãi, đau buồn. Kích thích được cả hỉ-nộ-ái-ố của người đọc là một thành công lớn của nhà văn.

Điều ấy đòi hỏi những câu chuyện bứt phá khỏi những mô tuýp thông thường hoặc đánh trúng những tâm lý ẩn sâu trong lòng mỗi người. Giờ văn học tràn lan. Sách cũng nhiều, ebook cũng lắm. Những câu chuyện mang diễn tiến nhàn nhạt đôi khi khiến mình sợ.

Mình cũng sợ viết ra những câu chuyện như thế. Sợ mình nhàn nhạt, sợ mình đẩy truyện  trôi theo kiểu đọc ngay chương đầu đã biết kết thúc rồi sẽ như thế nào. Sợ thế giới mình đặt gạch chẳng hề hoa mỹ, rộng lớn như mình tưởng mà trong đầu người đọc, nó chỉ là túp lều bé tí, xấu xí, rộng độ mươi bước chân.

Rốt lại cái cần là cảm giác khác lạ. Nếu bạn giống tôi, tôi giống người ta. Chúng ta có hương vị từa tựa nhau. Vậy sao tôi cần đọc của bạn? Kiểu kiểu như thế.

Đọc sách mà không thấy đồng cảm, không thấy rung động, không thấy nhân sinh quan ngộ ra điều gì. Liệu người ta có còn đọc không?

Ngộ thêm một điều nữa là cần phải nâng cao quan điểm dần lên. Nó không phải kiểu “nâng tuổi bạn đọc” như bạn Trần Gia luôn lải nhải: “Truyện là phải có cảnh 18+ hay thuốc súng”. Nó là kiểu muốn nhắm tới đích này, nhưng lại chỉ bắn tới đích kia. Đích này đứng sau đích kia một quãng, ai nhìn thì nhìn, ai không nhìn được thì thôi.

Viết như một thú chơi, có người đồng cảm được là tốt, mà yêu thích thôi cũng là được rồi.

Cơ mà nghĩ dễ, làm khó nên cứ bắt đầu bằng nghĩ đã =)))).

Xây dựng một truyện không dễ. Để mình chấp nhận đã khó. Để người khác chấp nhận thế giới mình tạo ra còn khó hơn. Nhưng biết làm sao được, ai bảo trót mê mẩn cảm giác khi viết được điều gì tâm đắc. Mê cảm giác như yêu, như say ấy, phê phê sung sướng. Dù lúc ấy, cái sung sướng ấy chỉ mình mình hưởng.

Tuổi còn trẻ còn dám cầy xới, chứ thành lão thành chắc chẳng đủ tự tin viết tềnh êu tềnh đương nữa. Haha.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

“Trảm long”: Hành trình giành lại tự do từ tay số phận

Đêm qua mới đọc xong tập cuối của “Trảm Long”. So với ba phần trước, “Thiên địa phong thủy” kém hấp dẫn nhất. Nhưng khép lại trang ...