Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013

[Hoa Tư Dẫn]: Điều tìm kiếm suốt cả đời người rốt lại cũng chỉ là "Nhất thế trường an"




Vốn chẳng thích truyện Trung Quốc. Phải 6,7 năm không đọc. Vô tình nghe mọi người nói nhiều về truyện của Đường Thất Công Tử nên ham hố đọc vui. Ngốn hết “Tam sinh tam thế, thập lý hoa đào” trong chưa đầy hai ngày. Rồi chuyển sang đọc ebook “Hoa Tư Dẫn”.

Đọc xong có chút choáng ngợp.

Đọc xong “Hoa Tư Dẫn” thấy ấn tượng bởi cách dẫn truyện vào mỗi câu chuyện một khác. Mỗi chuyện tình lại một nhẽ.

Lúc đầu đọc giới thiệu về “Hoa Tư Dẫn” thấy hơi chán ngán, nhưng thấy nhiều người khen mới quyết đọc xem. Hóa ra hấp dẫn như lời đồn.

Trong “Hoa Tư Dẫn” bị ấn tượng bởi cặp đôi đầu tiên, Tử Ngưng và Thẩm Ngạn. Không khỏi bồi hồi khi nghe chuyện nàng phi qua sa mạc, lật hơn 2.000 xác chết để tìm người yêu. Nhưng vì ông trời ngủ gật mà để Thẩm Ngạn khi tỉnh dậy lại nhận lầm người cứu mình là cô gái câm.

Mối tình Oanh Ca và Dung Viên thì ấn tượng cảnh cả hai tới sòng bạc. Chàng từ chối lấy vợ ra cược với một tay chơi chuyên nghiệp. Chàng không coi nàng như món đồ, một cây đao như người cháu Dung Tầm. Chàng biết nàng từng là sát thủ, nàng luôn muốn thừa cơ chạy trốn. Và chàng đã tặng nàng cơ hội chạy thoát khỏi tay mình.

Dung Viên đưa bảo kiếm cho Oanh Ca đi đổi bạc, chàng thừa biết mình đang tạo một con đường tốt cho nàng chạy trốn, khỏi lầu son gác tía, về với tự do mà nàng đã đánh mất thủa 16.

Khi thấy ông chủ sòng bạc dâng bạc trả mình, Dung Viên thầm nghĩ cuối cùng nàng cũng ra đi. Ván bạc chưa chơi cũng chẳng cần chơi nữa, 10.000 thầu bạc bỏ mất cũng thôi. Nó coi như trả cho ván cược mà chàng đánh với lòng mình, rằng nàng đi hay ở, cột cuộc đời mình với chàng hay tự do sống đời lãng khách.

Chàng thua, mặt không biến sắc, như thể chưa từng tới sòng bạc, chưa từng mất bạc, chưa từng mất tình. Cứ chỉ ngẩn ngơ. Để rồi sững sờ khi biết nàng không đi mất, mà chỉ lẩn khuất ở tầng 2 xem canh bạc. Nàng đã chọn ở lại vì nàng biết mình được yêu, chứ không phải bị lợi dụng như đã từng.

Nói chung chuyện tình của Công Tử Phỉ và Khanh Tửu Tửu không làm mình ấn tượng nhiều. Chuyện tình giữa Mộ Dung An và Tô Hoành tuy chỉ là một đoạn ngắn nhưng mình lại thấy đoạn kết của họ viên mãn.

Xuyên suốt các cuộc tình, các đoạn mộng là chuyện tình giữa Mộ Ngôn và Quân Phất. Nó không có xuất xứ kiểu như “có nhân có quả” như “Tam sinh tam thế” nhưng cũng không đến nỗi quá bi lụy.

Thực sự thì Mộ Ngôn và Quân Phất có thêm 15 năm cũng là may. Dẫu sao họ cũng không đến nỗi bi thương như Tử Ngưng chờ đợi tình cảm vô phương nơi Thẩm Ngạn, bị dằn vặt như Công Tử Phỉ, hay như Tô Hoành khốn khổ một đời nhìn về tình cũ.

Đoạn kết của “Hoa Tư Dẫn” khiến mình nhớ đến Dương Quá và Cô cô trong “Thần điêu hiệp lữ” khi Dương Quá về uống rượu rồi nhảy xuống vách núi, chết theo Cô cô sau khi chàng đã thành danh trong giang hồ. Nhưng rồi cả Dương Quá và cô cô đều không chết. Còn Mộ Ngôn và Quân Phất đều chết. Nhưng có ai trên đời này là không chết đâu?

Nếu như Bạch Thiển Thiển sống hàng vạn năm, Dạ Hoa phải chết chả biết bao giờ tương sinh thì mới là đau khổ. Đau khổ tới hàng trăm, hàng vạn năm. Người chết rồi còn níu hi vọng mong manh gặp nơi âm cảnh. Nhưng thần chết rồi biết níu vào điều gì đây? Thế giới hỗn mang, đều hóa cát bụi rồi liệu có còn nhận ra nhau?

 Còn Mộ Ngôn và Quân Phất dù sao họ cũng đã chia nhau mạng sống, người này đi trước người kia 7 năm thì cứ cho là họ sẽ gặp lại nhau ở một cõi nào đó sau hồng trần này đi.

Dù là truyện viết thiên về tình yêu, nhưng “Hoa Tư Dẫn” cũng có nhiều điều hay ho. Công nhận Đường Thất Công Tử có nhiều chiêm nghiệm hay, cũng như ý tưởng phong phú, dẫn truyện cũng thú vị.

Ai trong đời chẳng có mộng. Hoa Tư Dẫn là để đi vào mộng nhưng với mỗi người một kiểu. Nếu như Tử Ngưng quyết ở lại trong mộng đẹp, dù người chồng đã chết thì Oanh Ca lại thoát ra khỏi mộng.

Nó giống như cách ứng phó của mỗi  người với khó khăn trong cuộc đời. Tử Ngưng thà chấp nhận cô quả trong mộng nhưng được chồng yêu còn hơn chấp nhận đời thực người mình yêu lại lạnh nhạt với cô.

Trốn vào trong mộng, nương nhờ mộng cảnh cũng là cái khổ. Tử Ngưng trốn chạy hiện thực để rồi không biết rằng cuối cùng Thẩm Ngạn cũng vỡ lẽ, nhưng cô đã chết rồi. Ai dám bảo chạy trốn với đối mặt, kết cục nào tốt hơn?

Trong “Hoa Tư Dẫn” có lắm nỗi bi lụy, tình yêu nào cũng có những đau khổ, bởi vì thế mà người ta nương vào các giấc mộng. Nhưng chẳng hiểu sao mình vẫn cảm thấy một trong hai khung cảnh xót xa nhất là chuyện tình của Tử Ngưng – Thẩm Ngạn và khi Mộ Ngôn đánh đàn suốt một ngày dài tại động mà Quân Phất trốn.

Người máu lạnh nhất trong “Hoa Tư Dẫn” phải là Khanh Tửu Tửu, không phải sát thủ Oanh Ca. cho đến phút chót, mình vẫn thấy chuyện tình Công Tử Phỉ - Khanh Tửu Tửu chưa khiến mình “thấm”. Cảm thấy là chuyện tình “gợn” nhất trong “Hoa Tư Dẫn”. Nó là một trong 3 truyện tình giữa ma với người: Mộ Ngôn – Quân Phất, Mộ Dung An – Tô Hoành, Khanh Tửu Tửu – Công Tử Phỉ.

Và dù Quân sư phụ có không thích đi chăng nữa, mình vẫn thấy mối tình giữa Mộ Dung An và Tô Hoành không đến nỗi đáng căm giận quá. Hóa ra đó cũng là Hoa Tư Mộng đẹp nhất vì Tô Hoành sắp chết lại được lợi vì được ra đi trong mộng đẹp. Chẳng hiểu sao khi nghĩ về chuyện tình của 2 người này, mình cứ nghĩ tới câu “Nhất thế trường an” (Trọn đời bình an) mà cả hai treo trước cửa nhà khi họ sống với nhau lúc Tô Hoành chưa xuống núi làm Thế tử.

Cũng vì câu “Nhất thế trường an” này, mà khi biết Tô Hoành chọn ở trong mộng, chọn Mộ Dung An thay vì vương vị, mình đã nghĩ rằng họ sẽ hạnh phúc, trọn đời bình an. Chính vì thế mà không nghĩ tới cái chết hóa ngàn bươm bướm đỏ ở trận địa của Mộ Dung An hay sự già nua, mệt mỏi luyến ái tình cũ vì trót chọn vương vị của Tô Hoành trong đời thực.

Còn những giấc mộng còn lại, ai nấy đều chứa chan đau khổ.

Tử Ngưng chết rồi, Thẩm Ngạn ôm bình tro của nàng chết nơi chiến trường. Chàng tưởng thắng trận đến nơi, cuối cùng lại để cho đối phương giết chết mình, bại trận làm bao người khổ theo.

Cẩm Tước lấy được Dung Tầm, được chàng yêu nhưng rồi lại giết chàng trong mộng vì nàng không thể nhẫn tâm làm điều đó trong thực tế. Hạ sát chồng, tự sát trong mộng cuối cùng lại là cách nàng chọn vĩnh biệt cuộc đời.

Nhưng nếu sống có lẽ Cẩm Tước sẽ còn đau khổ hơn khi biết giữa mình và chị gái, Dung Tấm hóa ra yêu chị mình. Nàng chỉ là một cái bóng e lệ, dịu dàng, giam cầm hình ảnh Oanh Ca trong đó.

Còn Dung Tầm, cuối cùng chàng cũng có ngai vị nhưng trái tim héo úa. Chàng để vợ mình chết để chọn Oanh Ca. Rồi Oanh Ca cũng bỏ chàng để chết bên Dung Viên. Ngay từ đầu chàng đã nhầm lẫn. Chàng không cho phép mình yêu sát thủ số 1 của mình, để rồi nghĩ rằng mình yêu Cẩm Tước. Đến khi mất báu vật trong tay mới biết mình yêu ai hơn.

Dung Tầm, cuối cùng sao chàng lại thua Dung Viên? Vì chàng biến một cô gái đơn thuần thành sát thủ, giết người đến độ chàng thấy quá lạnh lùng. Còn Dung Viên, đã gỡ lớp vỏ bọc tanh mùi máu của sát thủ để Oanh Ca về làm một cô gái vô ưu vô tư. Đến lúc ấy, Dung Tầm nhận ra trái tim của mình cũng đã muộn quá rồi. Cuối cùng, chàng là người duy nhất sống sót trong chuyện tình lằng nhằng ấy, và cũng là người không hạnh phúc nhất khi nhìn người khác bỏ mình mà đi.

Oanh Ca, nàng chọn cách chết cùng Dung Viên trong lăng mộ sau khi biết sự thật về chàng trước lúc lâm chung. Nàng là người nghĩa khí, cuối cùng tự chọn cho mình một kết thúc, muốn được cứu em gái, đổi sinh mạng chứ không muốn trong giấc mộng viên mãn được người khác dệt nên. Nhưng rốt cục nàng cũng không được lựa chọn khi Dung Tầm quyết cứu Oanh Ca thay vì Cẩm Tước. Nhưng nếu Cẩm Tước sống dậy cũng sẽ không hạnh phúc khi biết trái tim Dung Tầm đổi chủ ra sao.

Công Tử Phỉ và Khanh Tửu Tửu mỗi người đều quên đi một giai đoạn trong cuộc đời của mình. Chuyện tình của họ luôn có câu hỏi treo lửng lơ: “Tôi tồn tại vì điều gì?”. Lừa gạt, dã tâm, cuối cùng là bi đát.

Khanh Tửu Tửu chết để bảo vệ Công Tử Phỉ, còn chàng sau khi uống thuốc nhớ lại chuyện xưa thì lại sống trong ảo mộng nhớ thương. Ảo mộng này không phải do Quân Phất dệt nên, nên nó làm người ta ngây dại.

Mộ Ngôn cuối cùng là người tỉnh nhất. Vì chàng kiên tâm nên đi ra khỏi giấc mộng. Và chỉ có thể nói chuyện tình giữa chàng và Quân Phất là duyên phận thôi.

Có phải ai cũng chịu cưới một cô dâu đã tắt thở?
Lập hậu là một tấm bài vị?
Chia 15 năm tuổi của mình cho một ai khác?

Mộ Ngôn là người giỏi tính toán nhưng rốt lại cũng không tính toán nổi với ông trời.
Giống như chuyện chẳng có ai hoàn mỹ, Mộ Ngôn có điểm yếu Quân Phất. Cũng giống Dương Quá có cánh tay cụt thôi.

Mình đã tiếc rất nhiều về cánh tay cụt của Dương Quá, nếu không chàng đã là người thập mỹ thập toàn rồi. Haizzzzz.

Nói đi nói lại cũng chỉ là truyện ảo mộng thôi. Nó vốn ảo mộng, sinh ra từ tâm tưởng của người viết nên chẳng có gì là thực để mà so sánh.
Nhưng dẫu sao xây dựng được một thế giới ảo mà khiến người ta chìm đắm trong đó, muốn thở trong đó, nhìn nhân vật và quan điểm trong đó mà suy ngẫm, muốn được luận bàn, nói về nó… thực là một thành công của tác giả. Ít ra còn muốn nói về câu truyện trong ấy, còn nghĩ đến và vương vấn cũng có nghĩa là dư vị đậm sâu.

Ây dà, viết truyện được như thế khó lắm đấyyyyyy.
Phải đi ngủ và ngẫm nghĩ về chuyện này thôi.                    

Mà rốt lại mình cũng chỉ mong mấy chữ: “Nhất thế trường an” thôi. 
Những người tìm mộng đẹp chẳng phải cũng thế sao?

27.01.2013
An Thụy

“Trảm long”: Hành trình giành lại tự do từ tay số phận

Đêm qua mới đọc xong tập cuối của “Trảm Long”. So với ba phần trước, “Thiên địa phong thủy” kém hấp dẫn nhất. Nhưng khép lại trang ...