Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

Đọc Marcel Proust để thử một lần học “ngôn ngữ xa lạ”

Buổi tọa đàm về cuốn sách “Bên kìa nhà Swann” hôm 19/11 là cuộc nói chuyện đầy thú vị, bởi lẽ các diễn giả tham dự gồm dịch giả Đặng Thị Hạnh, Lê Hồng Sâm, Dương Tường và Đặng Anh Đào đều là những người ở tuổi bát thập cổ lai hy. Tuy có lượng độc giả tham dự không đủ phủ kín các hàng ghế của Trung tâm Văn hóa Pháp L'Espace, các câu hỏi cho diễn giả không nhiều, nhưng chẳng mấy ai rời chỗ để về sớm. Vì đâu phải dễ để có dịp nghe các dịch giả nói chuyện đầy tâm huyết về Marcel Proust – một văn hào lớn của nước Pháp và thế giới.

Mặc dù các dịch giả đều là người có tiếng trong giới dịch sách, từng tham gia nhiều dự án dịch, nhưng ai nấy đều phải công nhận: Dịch Marcel Proust rất khó.  Điều này cũng là tương tự với các dịch giả ở các nước Mỹ, Nhật…

Các dịch giả tham gia tọa đàm: Đặng Anh Đào, Dương Tường, Đặng Thị Hạnh, Lê Hồng Sâm
Các dịch giả tham gia tọa đàm: Đặng Anh Đào, Dương Tường, Đặng Thị Hạnh, Lê Hồng Sâm

Nhưng chính vì Marcel Proust khó đọc, khó dịch nên người ta lại càng muốn tìm hiểu về ông hơn về sức hút thành công ông đã từng tạo ra trong thế kỉ 20.

“Bên phía nhà Swann” mà bốn dịch giả cùng Nhã Nam giới thiệu trong buổi tọa đàm ngày 19/11 nằm trong bộ “Đi tìm thời gian đã mất” gồm 7 cuốn: “Bên phía nhà Swann”, “Dưới bóng những cô gái đương hoa”, “Về phía nhà Guermantes”, “Sodome và Gomorrhe”, “Cô gái bị cầm tù”, “Albertine biến mất”, “Thời gian tìm lại được”.

Trong đó “Bên phía nhà Swann” là cuốn sách đầu tiên trong bộ sách trên. Năm 1912, Marcel Proust đã gửi bản thảo “Bên phía nhà Swann” tới nhiều nhà xuất bản có tiếng ở Pháp, song đều bị từ chối. Cuối cùng, ông quyết định bỏ tiền tự in tại nhà xuất bản Grasset.  Và chính quyết định này đã đem lại cho thế giới một bộ tiểu thuyết để đời.

Sau khi “Bên phía nhà Swann” được phát hành tại Pháp, André Gide - người sáng lập của nhà xuất bản Nouvelle Revue Française (nơi từng từ chối bản thảo của Proust) đã viết thư cho Proust nói rằng: “Từ chối cuốn sách là sai lầm nghiêm trọng nhất của Nouvelle Revue Française và (…) một ăn năn chua xót hối tiếc nhất của cuộc đời tôi”.

Tác phẩm kế tiếp “Bên phía nhà Swann” là “Dưới bóng những cô gái đương hoa” đã dành được giải Goncourt, giúp Proust trở thành nhà văn nổi tiếng của nước Pháp.



Đọc “Đi tìm thời gian đã mất”, bạn sẽ thấy đây là một cuốn tiểu thuyết về thiên hướng, là câu chuyện mà Người kể chuyện nói về cuộc đời mình, về thiên hướng văn chương nảy sinh từ bé. Nhưng cuộc sống, những chuyện yêu đương đã làm lu mờ ước muốn này. Tuy vậy, cuộc đời với nhiều những khúc quanh đời cuối cùng lại đưa đẩy Người kể chuyện nhận ra thiên hướng văn học của mình vốn đã sớm được định hình. Mong muốn trở thành nhà văn trỗi dậy và anh ta muốn viết một cuốn sách về cuộc đời mình, thể hiện thực tại nội tâm và phần tinh túy thoát ra khỏi cái Tôi.

Sự nổi tiếng, vinh quang của Proust được thế giới công nhận (với giải thưởng Goncourt năm 1919, huân chương Bắc Đẩu 1920) nhưng từ xưa đến nay, ngay cả ở Pháp, lượng độc giả của Proust vốn không nhiều do dung lượng tác phẩm của ông đồ sộ. Trong mấy ngàn trang sách của ông còn đan xen vào rất nhiều luận bàn, quy chiếu về các truyền thuyết, hội họa, âm nhạc…

Và theo dịch giả Đặng Thị Hạnh thì sách của Proust thú vị ở chỗ nếu là một người lười đọc, bạn không nhất thiết phải đọc hết từ đầu đến cuối mới theo được cốt truyện, mà thỉnh thoảng lật vài trang, đọc một vài đoạn để ngẫm cũng có thể nắm được nội dung mình đang dõi theo.

Nếu cứ nói hoài hai từ “khó đọc” lắm, thì hẳn bạn đọc nhà HHT – Trà Sữa sẽ nản mất, nhỉ? Nhưng nếu bạn là người thích văn học Pháp, rảnh rỗi thời gian và muốn ngấm nghĩ về khía cạnh khác nhau của cuộc sống, của nghệ thuật thì hãy thử đọc Proust một lần xem sao.

Chính Marcel Proust có câu “Những quyển sách hay được viết bằng ngôn ngữ xa lạ” và thường văn học hay là văn học thiểu sổ. Vậy thì sao bạn không thử một lần tiếp xúc với “ngôn ngữ xa lạ” để tiếp cận những tinh hoa tri thức.

Có thể việc hấp thụ ngay một lúc dễ khiến bạn nản hoặc cảm thấy quá tải, những khi như vậy, hãy gập sách lại và nhìn ra cuộc sống bên ngoài. Bởi sẽ có lúc, bạn sẽ lại mong soi chiếu thực tại, soi chiếu bản thân và những cảm xúc của mình qua lăng kính của những trang sách….

Thùy Dương.

Bài viết đăng trên HHT Online: http://hoahoctro.vn/doc-ben-phia-nha-swann-de-thu-mot-lan-hoc-ngon-ngu-xa-la/
***

Tọa đàm sách “Bên phía nhà Swann” không quá đông, không quá sôi nổi. Nhưng mình thấy có chút thú vị. 4 dịch giả đều là những nhà tri thức, các giáo sư, đều ở tuổi U80, nhưng nói về Proust thì rất hăng say. Mình thì chưa biết gì về Proust, nhưng nghe các dịch giả nói chuyện mà cũng tò mò.

Trong buổi nói chuyện dịch giả Lê Hồng Sâm có nói một đoạn trong tác phẩm Proust viết “Tôi không để ý đến câu chuyện họ nói mà tôi để ý đến cách họ nói” J. Với một tác phẩm mới, nếu chưa biết có thể tìm đọc, nhưng cơ hội nghe những người tâm huyết với tác giả, tác phẩm với về “đứa con” của họ là một điều hết sức thú vị.

Tự nhiên cảm thấy khâm phục họ vẫn đang ngày ngày cống hiến, mặc tuổi già, mặc sức khỏe. Xong lại nghĩ tới khi mình U80 liệu có thể như họ không nhỉ? Vẫn lấy con chữ làm thú vui, viết những việc mình thích, mình tâm đắc, đọc xong một tác phẩm hay là lại dành thời gian nghiền ngẫm các tình tiết, các diễn biến tâm lý.

 Kiểu ăn vừa đủ, ngủ có chừng, chơi với sách và viết linh tinh í mà. Liệu có thể như thế, được không nhỉ?

“Trảm long”: Hành trình giành lại tự do từ tay số phận

Đêm qua mới đọc xong tập cuối của “Trảm Long”. So với ba phần trước, “Thiên địa phong thủy” kém hấp dẫn nhất. Nhưng khép lại trang ...