Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

Đàn ông và việc nhà =.=


Nhiều người vợ cho rằng chia sẻ việc nhà là cách người chồng thể hiện tình yêu của mình bằng hành động. Nhưng tại sao có những người yêu vợ nhưng lại chẳng muốn đụng tay?

Có thể anh ta mệt mỏi, lười nhác.
Có thể anh ta nghĩ chỉ cần mình kiếm tiền giỏi là được.
Có thể anh ta vô tâm.
Và còn một điều nữa, khái niệm chia sẻ việc nhà vốn không có trong từ điển của anh ta.


Trong n yếu tố nói trên, mình muốn đề cập rõ hơn tới yếu tố cuối cùng.

Khi một đứa trẻ từ bé lớn lên không nhận được nhiều sự yêu thương, chăm chút của mẹ, không được mẹ sai bảo, hướng dẫn làm những công việc nhà. Nó sẽ khó hiểu được những vất vả của người phụ nữ.

Và khi lớn lên, người đó sẽ coi việc nhà là của phụ nữ. Họ sẽ không hiểu nổi người phụ nữ mệt mỏi thế nào khi vừa phải lo việc cơ quan, về nhà lại phải lo việc nhà. Nếu đã từng quen với những việc giúp đỡ mẹ mình, người ta sẽ không cảm thấy ngại, bỡ ngỡ khi có cơ hội giúp đỡ người phụ nữ của mình.

Trai nước ngoài thích phụ nữ Việt vì phụ nữ Việt tự mình lo lắng hết mọi việc, từ nhỏ đến lớn. Phụ nữ Việt khi làm một việc gì, họ dễ dàng nhận việc, vì chồng vì con, chứ không hề suy tính xem làm việc đó có ảnh hưởng đến nữ quyền hay không. Sự phân chia không quá rạch ròi của người phụ nữ khiến người đàn ông cảm thấy dễ thở, họ thấy tự do và an tâm làm việc của mình.

Chứ cứ thử bắt phụ nữ Tây âu sống theo kiểu Việt Nam xem, các nàng sẽ sớm bỏ cuộc, thậm chí cãi vã vì sự không bình đẳng trong công việc. Nền giáo dục tự chủ, độc lập và sòng phẳng, giải phóng phụ nữ đã dạy họ phản ứng thay vì cam chịu rồi.

Phụ nữ Việt thích trai nước ngoài vì họ chịu khó chia sẻ công việc nhà, tự nguyện giúp đỡ. Và điều này làm các nàng so đo với trai nội.

Vấn đề là ở chỗ, trai ngoại từ bé vốn đã có tính tự lập. Bố mẹ đẻ con ra cho ngủ riêng ngay, mọi việc lớn nhỏ đều có tính tự chủ cao.

Nhiều khi họ xin tiền bố mẹ thì phải đổi lại bằng việc làm cỏ, rửa xe. Họ phải hoạt động, bố mẹ nấu nướng thì họ rửa bát. Công việc được phân chia trong vui vẻ, ai có phần người đấy.

Lớn lên một chút họ đi học, đi làm, ở riêng, sống tự túc, đều phải tự lo cho mình. Có đụng tay mới biết sự vất vả của người phụ nữ. Và họ cũng từng làm nên chẳng ngại giúp đỡ người phụ nữ của mình khi cần. Đó như là một điều tự nhiên.

Nói chung, trai Việt hay trai ngoại, ai hơn ai, đó là điều khó nói.

Trai ngoại ân cần, dịu dàng, chia sẻ đấy nhưng họ rất sòng phẳng. Liệu gái nhà mình hẹn hò với anh nào mà anh ấy coi việc share tiền hẹn hò là việc đương nhiên, ăn uống ai trả tiền nấy. Sống cùng nhau thì mọi chi phí sinh hoạt đều chia đôi. Tuy là couple nhưng lại như hai kẻ single sống chung, liệu các nàng có dễ chấp nhận?

Thì việc nhà cũng là chia đôi mà.

Còn với trai nội, đòi hỏi một người lúc nào cũng chia sẻ, thấu hiểu cho người phụ nữ, mọi việc đều san sẻ là điều khó. Những chàng trai 8x, 9x và sau này là 0x,… họ sinh ra trong thời kì mỗi gia đình chỉ có 1-2 đứa con, nhiều lắm là 3. Tuy nói tới bình quyền nhưng tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn ăn sâu trong tiềm thức con người.

Những cậu con trai trong các gia đình tới 5,6 tuổi vẫn còn được bón ăn, ăn uống chạy rong ngoài đường. Lớn một chút, tuổi niên thiếu. họ chỉ biết có học hành và chơi điện tử, thể thao, được bà/mẹ hay chị lo cho cả. Càng lớn, họ càng vươn ra đời và phó mặc những-việc-nhỏ-nhặt cho những người phụ nữ.

Những-việc-nhỏ-nhặt trong mắt họ, họ sẽ không làm, hoặc không biết làm. Và thế là các chị/các em lại có bài ca chán chồng :D.

Thế tóm lại nên lấy người như thế nào?
Hờ, đấy là một câu hỏi khó không có mẫu số chung cho mọi người. Nếu có mẫu số chung có mà thành tranh chồng của nhau hết à.

Nói tóm lại, những anh chàng mỹ nam vừa tốt tính, vừa yêu vợ, vừa biết làm việc nhà chỉ có trong phim và truyện lãng (xẹt) mạn. 

Không thể cầu toàn một anh chồng kiểu thế. Thôi thì cứ biết ăn xong, rửa bát cho vợ, biết tự thay tã cho con là tốt lắm rồiiiii.

An Thụy

Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013

[Thời niên thiếu không thể quay lại ấy]: Không tự lột xác sẽ chẳng thể cất cánh bay



Mới đọc xong “Thời niên thiếu không thể quay lại” của Đồng Hoa. Lần đầu tiên đọc truyện Đồng Hoa vì thấy có nhiều người giới thiệu là nên đọc.

Đọc xong thấy Đồng Hoa đã thổi hơi thở cuộc sống và hoài niệm vào những trang viết thời niên thiếu khiến nó rực rỡ, không kém phần lung linh nhưng hiện thực trong đó cũng nghiệt ngã chẳng kém, làm người đọc cứ bỗng dưng điểm lại những chặng trong hành trình lớn khôn của mình.


Ngay từ đầu chú ý tới nhân vật Tiểu Ba. Đấy là điều dĩ nhiên. Tại sao? Đó là một câu hỏi không-thể-nói-ra-đáp-án =)))).

Aniway, cuộc lột xác của Kì Kì là một diễn tiến thú vị. Cô ấy như một chú chim được miêu tả từ lúc sơ sinh tới khi cất cánh bay với nhiều lần tự lột xác.

Đồng Hoa miêu tả rất thú vị, mỗi một thiếu niên như một chú chim. Có người cất cánh, có người không thể cất cánh nổi vì hoàn cảnh, có người lại vì gia thế mà chặt mất cánh trước khi kịp bay.

Thiếu niên luôn mơ mộng, giấc mộng thường bay bổng. Hiện thực thì tàn khốc. Nếu không tự lột xác để tiến lên, sẽ không thể cất cánh bay. 

Đọc được 2/3 truyện, mình đã nghĩ thế này: Kì Kì cất cánh bay được, ngoài sự nỗ lực bản thân, tư tưởng thoáng của gia đình, còn nhờ những chỗ dựa vững chắc.

Trần Kính xuất hiện vài lần trong truyện, nhưng lại là một nhân vật quan trọng.

Trong quãng đời vượt qua niên thiếu, Trần Kính luôn như người bay trước dẫn đường, Tiểu Ba như một sân đỗ vững chãi, còn Trường Tuấn như một người nâng cánh bay cùng.  Tuy Trần Thanh Tùng, Lâm Lam chỉ xuất hiện chớp nhoáng, nhưng mình thấy họ cũng như Trương Tuấn, như những người nâng cánh bay cho Kì Kì.

Trần Kính cũng như Tiểu Ba, đều có con mắt nhìn xa trông rộng, biết rằng Kì Kì tuy học hành phất phơ nhưng lại có tố chất bay cao. Họ xuất hiện ở một phần trong cuộc đời của Kì Kì, nhưng định hướng cô mãi mãi.

Trần Kính dạy Kì Kì cách tư duy, Tiểu Ba dạy cô cách bảo vệ mình. Trần Kính truyền thụ những kinh nghiệm cốt lõi của thành công, Tiểu Ba tránh đường cho Kì Kì bay. Tiểu Ba biết nếu Kì Kì còn gặp mình, cô sẽ không thể bay cao bay xa. Mà Kì Kì một khi đã bay thì anh không thể đuổi kịp.

Nhưng thay vì giữ cô em gái bé bỏng bên mình, anh lại chọn cách tạo cơ hội cho Kì Kì bay, nó giống như anh gửi mơ ước vào cô bé sẽ bay thay mình.

Thực ra, mình thấy Tiểu Ba giống như một sân bay. Anh tạo đường băng cho Kì Kì cất cánh, dõi theo cô như một đài quan sát.

Nhưng có một điều thú vị là chim tránh rét sẽ bay về phương nam, máy bay hết hành trình thì sẽ tìm điểm đỗ, nên mình có hy vọng rằng người Kì Kì gặp ở bờ sông 10  năm sau chính là Tiểu Ba.



Còn về Trần Kính, mình đoán rằng cậu ta cũng thấy Kì Kì rất thú vị. Thiên tài như một ông vua con cô đơn trên đỉnh vinh quang. Cậu ta nói những điều người khác khó hiểu nhưng lại luôn bị người ta làm phiền. Không hẳn cậu ta muốn làm người khác rối đầu, hẳn là vì có nói ra người ta cũng không tin. Sự tư duy vượt mức thông thường nhìn thấu vấn đề khó khăn thấy cái cốt lõi đơn giản, nói điều đơn giản ấy với người khác, người ta tự nhiên thấy đơn giản thế sao mình làm không được nên trở thành hoài nghi.

Hơn nữa, chẳng có đáp án tròn trịa nào cho tất cả các câu hỏi. Nó giống như phương pháp học tập, với mỗi người mỗi khác, tùy tốc độ tư duy và phương pháp tiếp cận nên cuối cùng vẫn phải là tự bản thân trả lời cho chính mình để có đáp án phù hợp nhất.

Trần Kính từ nhỏ luôn bị bạn bè vây quanh để hỏi han nên sớm thấy chán ngán. Vớ đúng Kì Kì ngồi cùng lười học, bỗng nhiên lại thấy thoải mái, tự nhiên hướng dẫn cô bạn phương pháp học của mình.

Giống như một sư phụ trong truyện kiếm hiệp, Trần Kính chỉ cho Kì Kì những điểm cốt lõi nhất, nhiều khi chính Kì Kì còn chưa hiểu lắm nhưng cuối cùng cũng tự rèn luyện mình để cứng cáp hơn.

Nếu mình mà là Trần Kính, chắc chắn mình sẽ cảm thấy thú vị. Thú vị vì có thể khai dẫn cho một cô bạn học hành phất phơ phát huy được hết tiềm năng. Giống như khi mình tiến ba bước, người phía sau cũng tiến từng bước một, cùng nhau tiến bước về phía trước, điều đó thật tuyệt vời biết bao.

Nhất là khi cậu ta là một Thần Đồng thì nếu có người chạy đuổi theo mình chắc sẽ cảm thấy bớt cô đơn hơn. Thậm chí có thêm động lực để phấn đấu, tự tiếp tục phá vỡ những giới hạn bản thân.



Có thể người khác sẽ hỏi Trần Kính không sợ bị vượt mặt sao?
Haha, điều này chắc chỉ Trần Kính hiểu. Thế giới này vẫn còn rộng lớn lắm. Nếu cứ nghĩ cần phải giẫm đạp lên nhau mà sống, vô hình đã thu hẹp thế giới dưới gót giày của mình, tự đóng khung lại giới hạn của bản thân. Khi bị chèn ép trong khuôn khổ, tự nhiên sẽ không thấy được những điều mới mẻ, khó lòng bứt phá khỏi điểm nút để tạo ra bước nhảy.

Còn nếu cứ thích giẫm đạp, chèn ép lẫn nhau, dễ sẽ thành lưỡng bại câu thương. Có những nhân quả trả ngay tức thì, nhưng có những chuyện trả dài theo nghiệp kiếp. Rốt lại, toan tính nhiều lại chẳng biết ai hơn ai.
Rất ấn tượng hình ảnh khi Trần Kính đứng nói chuyện với Kì Kì khi quay về trường cũ chia sẻ kinh nghiệm. Câu hỏi của Trần Kính đơn giản chỉ là “Thấy không?”, Kì Kì trả lời: “Thấy được.”

Hỏi gọn, đáp gọn nhưng lại đầy cảm giác. Họ nói với nhau những chuyện người khác nghe có thể không hiểu, nhưng họ hiểu. Vì họ đứng với nhau trong cùng một thế giới. Đó không phải thế giới của những người đang yêu mà là thế giới của những người trẻ nhiệt tình hăm hở tiến về phía trước với sự tự tin đầy ắp. Họ biết mình sẽ trở thành ai, biết cách hoạch định tỉ mỉ để tương lai nằm trong tay mình. Đó không phải là thứ tương lai mơ hồ hay bay bổng mà những người bạn cùng trang lứa đang có.

Những người khác khi nhìn họ, nghe họ nhưng không hiểu họ, không tự tin được như vậy nên tự nhiên có áp lực. Mà khi có áp lực người ta dễ buông tay. Đã buông rồi tự nhiên sẽ thụt lùi. Trong lúc đó, những ai tự-vượt-qua-giới-hạn của mình, dù chỉ nhích thêm từng chút xíu một thì khoảng cách vẫn là kéo dần xa.



Tuy Kì Kì luôn nghĩ rằng mình cần bay xa để giúp mơ ước của Tiểu Ba được hoàn thành, nhưng trên đôi cánh của cô ấy còn có những kì vọng khác. Trần Tùng Thanh hay Lâm Lam, mỗi người chỉ xuất hiện chút xíu nhưng mình cảm nhận rằng họ ở đâu đó bên đôi cánh của Kì Kì.

Người vì gia cảnh không tốt phải từ bỏ Đại Học, người vì không chịu nổi sức ép phải tự bỏ kì vọng với bản thân. Họ đều là những chú chim bị chặt cánh trước khi bay. Hơn ai hết, Kì Kì nhìn thấy được tâm tư của họ, hiểu được kì vọng họ dành cho mình. Có thể người ta thấy Kì Kì bay vì Tiểu Ba, vì chính bản thân cô, nhưng cô cũng đang bay trên ước vọng của người khác dành cho mình.

Nghĩ thế nào cũng thấy cuộc chia tay giữa Trần Tùng Thanh và Kì Kì khi học lớp 8 rất xúc động. Không nước mắt, mối quan hệ cũng không rõ ràng, chỉ nói với nhau vài câu nhưng lại khiến người ta thấy cuộc sống thật nhiều khó khăn.

Trương Tuấn nâng cánh cho Kì Kì bay nhưng cuối cùng lại tự tụt lại phía sau. Đồng Hoa viết rằng Trường Tuấn không tự tin vào tình yêu, vì cô gái cậu ta yêu quá lý trí khiến cậu ta lúc nào cũng bất an rằng nàng sẽ sớm bỏ lại cậu phía sau để bay về phía trước.

Còn mình thì nghĩ sự mệt mỏi của Trương Tuấn còn đến từ một khía cạnh khác. Trương Tuấn cho rằng Kì Kì càng giỏi, nàng càng bước chân vào một thế giới khác mà cậu không thể tới được, nên buông tay để nàng tìm một người tương xứng hơn.

Nhưng nếu đặt ngược vấn đề,  Tiểu Ba là người đồng hành với Kì Kì, liệu anh có mệt mỏi không? Chắc không!

Câu trả lời là vì lý tưởng của họ khác nhau.

Vì xuất phát điểm của Tiểu Ba không tốt nên anh phải lao về phía trước, lý tưởng của anh là thoát khỏi thế giới của anh Lí, của Ô Tặc để bước vào một thế giới khác, nơi được dệt nên từ tri thức.

Trước khi Kì Kì kịp định hình được nơi mình sẽ đến, kì vọng của Tiểu Ba đã đẩy nàng về phía trước. Nàng dò dẫm đi về phía trước với động cơ của người khác, nhưng rồi dần tìm đúng đường, bị say mê với thế giới tri thức ở phía trước nên từ đó biến động-lực-vì-người-khác thành lý-tưởng-của-chính-mình.

Theo mình, so với thất bại, mơ hồ đáng sợ hơn. Khi ấy không biết mình đi về đâu, không biết mình sẽ là ai, tương lai sẽ thế nào. Còn nếu đã có đích để hướng tới, mường tượng được thế giới của mình thì dù chạy hay bò, nếu đủ quyết tâm và kiên nhẫn, cuối cùng cũng sẽ thấy cánh cổng tới thế giới ấy.

Trương Tuấn tuy thông minh nhưng cuối cùng lại trở thành chạy đuổi theo Kì Kì. Cậu ta thấy Kì Kì cứ băng băng về phía trước nên tự động thúc ép mình phải bắt kịp. Lý tưởng thủa 19 của Trương Tuấn chính là Kì Kì chứ không phải là thế giới phía trước mà Kì Kì đang hướng đến.

Nếu cùng chung một lý tưởng, dù nhanh dù chậm cũng có thể hướng tới cùng nhau. Nhưng vì lý tưởng vốn đã khác nhau. Chạy đuổi chỉ khiến người ta thêm mệt mỏi. Càng chạy Trương Tuấn càng cảm thấy mơ hồ với lý tưởng của mình nên việc cậu ta chia tay là chuyện dễ hiểu.




Trong 10 năm không gặp, Kì Kì dần bước vào thế giới mà Tiểu Ba mong được đến. Cũng vì nàng, anh mở hiệu sách Bên Dòng Nước. 


Mơ ước thiếu thời của Tiểu Ba, Kì Kì làm được. Mong muốn bồng bột trong phút chốc ở thủa hoa mộng của nàng, anh cũng đã làm xong.

Họ cứ từng bước một thực hiện điều người kia tâm niệm. Vốn không ai có thể gồng mình sống cả đời vì một người khác. Nếu chỉ dốc lòng dốc cố sức vì người kia, có lẽ cả hai đều sẽ sớm bỏ cuộc. Vì họ biết rằng trong cuộc đời này, cơ hội còn được gặp nhau nữa có là bao.

Họ từ sớm vốn đã tâm ý tương thông, đã biến mơ ước của người kia thành đam mê của mình, có như vậy mới không bị gánh nặng cuộc sống làm lay chuyển mục tiêu. 



10 năm trước, thế giới của nàng rất nhỏ bé với những người bạn lớn lên thời niên thiếu.
10 năm sau, thế giới của nàng đã rộng lớn lắm rồi, nàng đặt chân tới nhiều nơi, học nhiều điều, sống không chỉ bằng lý trí quật cường nữa mà đã dám thành thật với trái tim.

10 năm trước, anh trong vòng phức tạp, đứng giữa đủ loại người mơ ước về một tương lai sáng lạn.
10 năm sau, thế giới xã hội của anh cũng đã rộng thêm bội phần, anh đủ khôn ngoan để tránh những mời mọc của xã hội, xã giao nhiều nhưng thế giới trong lòng lại rất nhỏ bé với những người anh em đi ra từ chỗ sinh tử.

Giữa xã hội trưởng thành đầy phức tạp, dòng xoáy thời gian cuồn cuộn chảy trôi, họ bỗng nhìn ra vị trí của mình trong lòng người kia. Dòng nước chảy đi, phù sa lắng lại. Quả thực để một tình cảm trong vòng xoáy cả thập niên mới ngộ ra hết quả thực là thử thách.

Nhưng nếu 10 năm trước, Tiểu Ba yêu Kì Kì, biết đâu trong một phút tự tin nào đó cũng sẽ như Trương Tuấn, tự động rút tay. Bởi trong tình yêu ai chẳng có một phần ích kỉ. Và tình yêu của ngày ấy cũng sẽ khó lòng toàn vẹn khi Kì Kì vẫn cứ dõi theo Trương Tuấn với ánh mắt khó rời.

Nên dù có là 10 năm, tình cảm của Tiểu Ba với Kì Kì vẫn không đáng tiếc. Nó cho nàng thời gian để thành thật với trái tim, khiến lý trí bớt cứng đầu và cũng cho khiến anh phải thừa nhận tình cảm đã có vượt xa tình anh em.

Nếu không có 10 năm, sợ rằng Tiểu Ba vẫn sẽ nhập nhằng giữa tình yêu và tình thân. Cảm giác tương giao với người tri kỉ tri âm thực khó xóa nhòa. Nếu trót đã có thì sẽ đeo đẳng trong lòng khiến người ta mải miết tìm không thôi. Tìm lại được là may, còn không, cả đời sẽ cứ thắc thỏm sống với mảnh hồn trần khuyết thiếu trong tâm tư. 


Kết thúc truyện là mở, nhưng mình hy vọng một cái kết thiên về Tiểu Ba.

Mặc dù Tiểu Ba cho rằng thế giới của anh và thế giới của Kì Kì khác nhau, anh học tới lớp 12 đã bị đuổi còn nàng học trường danh tiếng, đi du học nhưng ở cả hai lại cùng một hệ tư tưởng.

Ranh giới giữa cả hai chỉ là học vấn, khi Kì Kì thẳng đường đi thì Tiểu Ba cũng bước trên con đường vòng. Họ vẫn đang tiến về thế giới lý tưởng của mình theo những cách khác nhau. Và điều ấy giúp họ gắn kết với nhau, mãi mãi. 





*** Aniway, mặc dù Trương Tuấn đi xuyên suốt trong tiểu thuyết này nhưng với mình hình ảnh không mạnh bằng Tiểu Ba. Các đoạn ngoại truyện về Tiểu Ba rất hay, rất có hình ảnh. Đọc sang đầu tập 2 mình đã nghĩ tới cuốn “Nhắm mắt thấy Paris” của Dương Thụy. Hehe, nhiều đất sống không có nghĩa sẽ là người đi tới tận cùng.
 
Hix, hơn 2.500 từ của tôi ="=.

3h39’ – 23/2/2013
An Thụy


Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Đặt gạch xây thế giới đâu dễ



Viết truyện khá lâu để biết sắp đặt cho một diễn tiến. Nó giống như kiểu mì ăn liền. Có một mô-tuýp chung để biết rằng truyện sẽ đi theo hướng như thế nào, như thế nào là thành một câu chuyện.

Nhưng đấy là thời viết truyện ngắn.
Giờ thử sức với thể loại viết truyện vừa và dài. Bỗng thấy mình như cá giữa biển lớn. Lại thấy mình ham đọc hơn ham viết.

Để cho ra những thứ tạm-chấp-nhận không khó nhưng viết được những điều khiến mình tâm đắc khó vô cùng.
Ngày hôm nay có thể là hài lòng đấy, nhưng mai đọc lại, bỗng thấy thiếu muối vô cùng.
Cảm giác kích động khi đọc những dòng của ngày hôm nay khác với cảm giác của ngày mai, ngày kia, và nhiều ngày sau nữa.

Liệu rằng người đọc sau khi đọc xong, có kích động như lần đầu của mình không?
Liệu rằng họ có còn muốn đọc tới lần thứ hai, lần thứ ba…?
Liệu họ có sẵn sàng mở sách ra đọc lại dù câu viết đó đã luẩn quẩn trong đầu họ rồi không.

Đôi khi mình đọc sách, giở sách để đọc vài câu viết mình thích ở trong một cuốn sách nào đó. Tự nhiên lúc đó thừa biết giở sách ra sẽ tìm thấy. Đầu óc cũng đã mường tượng được phần nào câu nói/câu viết đó. Cái mình cần không hẳn là sự chính xác của câu nói/câu viết đó, mà là cảm giác.

Cảm giác khi nhân vật nói câu nói đó, hay khung cảnh tác giả đưa ra câu viết đó. Bối cảnh câu chuyện như một bức nền làm nổi trội những ý tinh hoa.

Phát triển được ý tinh hoa đã khó, xây một cái nền vững chắc khiến người ta ghé mắt vào đó là ngã, là không gượng dậy được, phải lật giở nhiều trang tiếp theo mới là khó.

Cứ nói là viết cho thỏa đam mê. Nhưng đam mê như ngọn lửa, chẳng thể nào cháy mãi. Nếu không có người đọc, ngọn lửa cháy bùng rồi sẽ tắt ngóm. Và người viết khi ấy sẽ như người đi giữa đêm đen. Viết được thứ tâm đắc, ai mà chẳng thích. Nhưng đó là một thế giới đóng, sẽ không thể biết thứ tâm đắc đó có thực sự đáng rung động, hữu dụng hay chỉ là mình đang làm quá với bản thân.

Như Guillaume Musso viết trong “Cô gái trong trang sách” thì thế giới của nhà văn chỉ được xây dựng khi những cuốn sách có người đọc. Nó như việc dệt mộng của Quân Phất trong “Hoa Tư Dẫn”, dệt nên những thành trì tưởng tượng để người ta chìm đắm trong đó, mê man trong đó, hạnh phúc, lo lắng lẫn sợ hãi, đau buồn. Kích thích được cả hỉ-nộ-ái-ố của người đọc là một thành công lớn của nhà văn.

Điều ấy đòi hỏi những câu chuyện bứt phá khỏi những mô tuýp thông thường hoặc đánh trúng những tâm lý ẩn sâu trong lòng mỗi người. Giờ văn học tràn lan. Sách cũng nhiều, ebook cũng lắm. Những câu chuyện mang diễn tiến nhàn nhạt đôi khi khiến mình sợ.

Mình cũng sợ viết ra những câu chuyện như thế. Sợ mình nhàn nhạt, sợ mình đẩy truyện  trôi theo kiểu đọc ngay chương đầu đã biết kết thúc rồi sẽ như thế nào. Sợ thế giới mình đặt gạch chẳng hề hoa mỹ, rộng lớn như mình tưởng mà trong đầu người đọc, nó chỉ là túp lều bé tí, xấu xí, rộng độ mươi bước chân.

Rốt lại cái cần là cảm giác khác lạ. Nếu bạn giống tôi, tôi giống người ta. Chúng ta có hương vị từa tựa nhau. Vậy sao tôi cần đọc của bạn? Kiểu kiểu như thế.

Đọc sách mà không thấy đồng cảm, không thấy rung động, không thấy nhân sinh quan ngộ ra điều gì. Liệu người ta có còn đọc không?

Ngộ thêm một điều nữa là cần phải nâng cao quan điểm dần lên. Nó không phải kiểu “nâng tuổi bạn đọc” như bạn Trần Gia luôn lải nhải: “Truyện là phải có cảnh 18+ hay thuốc súng”. Nó là kiểu muốn nhắm tới đích này, nhưng lại chỉ bắn tới đích kia. Đích này đứng sau đích kia một quãng, ai nhìn thì nhìn, ai không nhìn được thì thôi.

Viết như một thú chơi, có người đồng cảm được là tốt, mà yêu thích thôi cũng là được rồi.

Cơ mà nghĩ dễ, làm khó nên cứ bắt đầu bằng nghĩ đã =)))).

Xây dựng một truyện không dễ. Để mình chấp nhận đã khó. Để người khác chấp nhận thế giới mình tạo ra còn khó hơn. Nhưng biết làm sao được, ai bảo trót mê mẩn cảm giác khi viết được điều gì tâm đắc. Mê cảm giác như yêu, như say ấy, phê phê sung sướng. Dù lúc ấy, cái sung sướng ấy chỉ mình mình hưởng.

Tuổi còn trẻ còn dám cầy xới, chứ thành lão thành chắc chẳng đủ tự tin viết tềnh êu tềnh đương nữa. Haha.

Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

Đi về phía chưa rõ lối




Nếu chọn đường bằng phẳng, tôi đã đi một con đường khác.
Đường hiện giờ chưa rõ lối, nhưng tôi biết mình phải đi về phía ấy.
Liệu sẽ lên đỉnh núi hay xuống thung lũng.
Tôi cũng chưa biết.
Nhưng hãy cứ đi đã.
Để lỡ điều khiến mình rung động, tôi sẽ lững lờ trôi giữa cuộc đời này thôi.

19.02.2013

À, hôm qua mua kính áp tròng 14dp.
Lần đầu tiên nhìn thấy mình trong gương, ở khoảng cách gần, trông rõ đến thế.

“Trảm long”: Hành trình giành lại tự do từ tay số phận

Đêm qua mới đọc xong tập cuối của “Trảm Long”. So với ba phần trước, “Thiên địa phong thủy” kém hấp dẫn nhất. Nhưng khép lại trang ...