Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015

Đập cánh giữa không trung: Sau những giấc mơ, chỉ còn em ở lại nơi này...


Khi nghe tin “Đập cánh giữa không trung” đượcnhiều giải thưởng quốc tế tôi đã bắt đầu tò mò về bộ phim này. Định đi xem, rồi thôi. Cho tới khi đọc status của một người bạn ở xa trên Facebook nói rằng Trần Anh Hùng là cố vấn đặc biệt của “Đập cánh giữa không trung”, đồng thời cũng tìm được một người bạn hứng thú với phim này, nên tôi đã thôi không ngần ngừ nữa.

Có hai cảnh gây ấn tượng với tôi trong “Đập cánh giữa không trung”, lúc Huyền tỉnh dậy sau cơn mê ở căn nhà trên Tam Đảo, cô ấy thấy Hoàng đang xem hình ảnh đứa con của cô, nghe tiếng tim bé đập trong căn phòng của anh. Huyền chủ động đi về phía anh, ôm choàng từ đằng sau, phủ tấm chăn mỏng khoác chung cho hai người. Cô kể anh nghe về giấc mộng khi cô choàng tỉnh, anh đã biến mất. Hoàng vỗ về cô, nói rằng, anh có đi đâu đâu, anh ở đây mà.

Khoảnh khắc Huyền chủ động ôm Hoàng từ phía sau làm tôi cảm thấy rùng mình. Một cảnh rất đầy về cảm xúc. Cử chỉ rất đơn giản thôi nhưng chạm tới lòng người. Trái tim của Huyền rung động, trái tim của tôi cũng bị cảm xúc của cô ấy làm cho lay động. Đây có lẽ là cảnh ghi điểm mạnh nhất đối với tôi trong bộ phim này.

Đã bao đêm Huyền tỉnh dậy với những cơn ác mộng, nhưng bên cạnh cô ấy chẳng có ai. Ai cũng nói với cô ấy chuyện bỏ đứa trẻ trong bụng, trừ Hoàng. Anh ta có sở thích trái khoáy, chỉ mới nghe thôi có thể khiến ta e ngại và cho là biến thái. Nhưng chỉ có anh ta thực sự quan tâm đến đứa trẻ cô đang mang. Anh ta hỏi tên nó trong lần đầu tiên gặp cô, đưa cô đi ăn canh thuốc, cùng cô về làng... Tôi nghĩ rằng khi nhận được sự quan tâm của Hoàng, Huyền đã dần có sự đổi khác. Về tâm lý phụ nữ, họ thích sự dịu dàng và chăm sóc như vậy, nhất là với phụ nữ mang thai, khi trái tim họ rất đa cảm. Khi ai bên cạnh cũng nói với Huyền phải bỏ đứa bé thôi, dù Huyền hết tiền, Huyền sợ đau, Huyền sợ bất nhân, nhưng cô vẫn cho rằng, “ngày mai sẽ đi bỏ đứa bé”. Tôi nghĩ rằng sau khi gặp Hoàng, thấy được sự háo hức mong chờ từ một người khác với đứa con của mình, Huyền tuy vẫn nói sẽ đi bỏ đứa bé, nhưng trong cô ấy một suy nghĩ khác vốn được ủ mầm, nay đã có thêm điều kiện để nảy nở

Vai diễn của Hoàng (Trần Bảo Sơn) trong phim nam tính và bí ẩn. Đọc review và xem trailer khiến tôi nghĩ mức độ biến thái của Hoàng không phải dạng vừa. Hẳn người xem dễ có “định kiến” với Hoàng sau cảnh đầu tiên anh xuất hiện, nhưng dần dần, theo mạch phim, Hoàng lại tạo cảm giác an ổn. Thậm chí, lúc Hoàng đưa Huyền về tới đầu làng, hỏi xem cô có muốn vào nhà không, nhưng Huyền từ chối. Cô thậm chí còn phủ tóc che mặt khi có người làng đánh trâu ngang qua. Thế là anh ta quay xe, chầm chậm lái xe đi giữa đàn trâu trong một ngày mưa phùn. Chín chắn, bình tĩnh, chu đáo ân cần và rất đàn ông, Hoàng là sự đối lập toàn diện so với Tùng. Nhịp phim khi Hoàng xuất hiện, những đoạn hội thoại, cử chỉ và nét mặt của anh ta làm tôi cảm thấy dễ chịu, như hít thở vậy. 

Cảnh Hoàng tạm biệt Huyền, anh ta đi ngang qua một khu rừng và dần dần chìm vào trong ánh bình minh thực sự rất đẹp. Bố cục, ánh sáng, ý tưởng đều rất thú vị. Đẹp từ ý tưởng đến màu sắc. Hoàng chầm chậm đi từ khoảng tối rồi tới khoảng sáng và biến mất. Anh ta trong phim cũng vậy, ngay từ khi chưa xuất hiện đã khiến người ta e ngại, rồi dần dần anh ta đi về phía ánh mặt trời chiếu chói lóa, khi Huyền lẫn khán giả dần xiêu lòng trước Hoàng thì anh ta tan đi. Hoàng như một giấc mơ, một bong bóng trên mặt nước, không thể tồn tại lâu trong cuộc đời Huyền. Thế là, Huyền lại một lần nữa rơi vào sự hão huyền của tình yêu.

Tùng đối lập với Hoàng ở góc độ, những phân cảnh của Tùng ồn ào, sôi nổi, thậm chí còn bạo liệt hơn Hoàng. Một anh chàng làm nghề thay bóng đèn cao áp, khi đi làm còn mang theo gà chọi và đi hái quả chua mang tới trường người yêu. Càng xem, càng cảm thấy Tùng mang lại một cảm giác bất an. Một anh chàng khi không được người yêu thỏa mãn liền lập tức tìm cô gái khác. Một người vừa mới tán tỉnh người yêu đầy lãng mạn khi dùng xe cẩu có gắn ruy băng sến rện đến đón người yêu, nhưng lúc sau lại cư xử đầy thô bạo. Vẻ như nhân vật nguy hiểm của “Đập cánh giữa không trung” là Tùng chứ không phải là Hoàng. 


Phân cảnh đầu tiên trong phim, lúc Tùng tháo bóng đèn cao áp lúc trời mưa, tìm được một đôi cá ở bên trong, tôi nghĩ đó là một cảnh thú vị. Anh ta mang cá về nhà người yêu nuôi, thậm chí còn kiếm giun cho nó. Anh ta cũng yêu gà của mình đến mức la hoảng khi gà chọi bị giết (nói đến đây, không thể không diễn tả sự chưa hài lòng lắm với cảnh gà chọi của Tùng bị giết, nếu sự tiếc nuối của Tùng được nhấn mạnh hơn, có lẽ sẽ thú vị). Một người yêu động vật như thế, nhưng lại là kẻ vô cảm, thiếu tinh tế với người yêu và chính đứa con của mình.

Về phần Huyền, tôi nghĩ ngay từ ban đầu cô ấy không muốn bỏ đứa trẻ. Hết tiền, sợ đau, lo lắng khi không có ai đi cùng, về sau là vì yêu Hoàng – tất cả chỉ là những lý do bề nổi. Căn bản Huyền không muốn bỏ đứa trẻ. Nên “ngày mai” của cô ấy không thể biết là ngày nào. Và tôi nghĩ cô ấy sẽ giữ đứa trẻ đó. 

Cảnh cuối phim bị cho là hẫng, nhưng tôi nghĩ nó dừng ở đó có lẽ lại hay. Nó gợi cho người ta miên man liên tưởng, miên man phỏng đoán, không bắt đứa trẻ phải sống, không bắt đứa trẻ phải chết. Tuy không “ép” một cái khuôn nhất định cho kết thúc trong phim (mà thực ra “ép chết” vào một cái khuôn làm gì khi mà film điện ảnh nghệ thuật là một dạng linh hồn có sự sống, hãy cứ để nó sống trong lòng người xem, còn sống thế nào thì tùy nó!), nhưng cảnh cuối trong “Đập cánh giữa không trung” đủ sức lột tả sự trưởng thành của nhân vật Huyền.

Huyền mặc váy trắng, nấu cháo không hành ở trên tầng mái, cô ấy bình thản với âm thanh ồn ã nơi phố đường tàu dội lại, kể cả tiếng sấm báo mưa cũng không khiến cô ấy vội vã. Ở Huyền hiện rõ lên sự nhàn tản của một người đã và đang đi qua cơn sóng gió cuộc đời.

Vài tháng trước, cô ấy không tiền, có người yêu, có bạn thân, có một đứa trẻ.
Vài tháng sau, cô ấy có tiền, (có lẽ) không người yêu, không bạn thân, (có lẽ) vẫn còn một đứa trẻ.

Trong vài tháng ấy, Huyền khi lơ lửng trên thùng của xe cẩu, có bận chấp chới trên lan can của khu nhà cũ, có lúc lại dợm từng bước chân ở căn nhà trên núi, rồi cô ấy đứng yên, khép cánh trên tầng gác mái ở cảnh cuối cùng.

Trong vài tháng ấy, Huyền đã kinh qua đủ những loại trải nghiệm tàn nhẫn và khắc nghiệt với tuổi 19. Hết bị người yêu cuỗm tiền, lại tới bà bác sĩ sản khoa tưởng là hiền hậu, ai dè cố nấn ná thời gian khiến thai nhi của cô lớn để giới thiệu sang một bệnh viện tư, cô túng quẫn đến mức phải đi gặp một “má mì” xin việc... Bên cạnh một xã hội khắc nghiệt, tàn nhẫn và vô cảm, đâu đó vẫn có những người thương Huyền, thương cậu bạn đồng tính Linh, như cách bà bán cháo nhắc nhở ngày xui, như ông chở nước cho chịu tiền trả sau. 

Còn một điều nữa tôi muốn nhắc đến khi nói về “Đập cánh giữa không trung”, đó là những chuyến tàu lướt ngang mỗi khi nhân vật gặp những biến cố lớn. Là lúc Tùng mang tiền tới giục Huyền ngày mai tới gặp bác sĩ, là khi Huyền và Linh ngồi ăn cháo ở vệ đường (hình như) nói về chuyện Tùng cuỗm tiền, ngay cả âu đựng phở cũng mang đi luôn...

Tàu tới và đi, còi tàu ầm ĩ, nếu là người bình thường sẽ hoảng hốt sợ hãi, nhưng những nhân vật trong phim lại đón tàu với tâm thế chẳng có gì bất ngờ sất. Họ đã quen với cuộc sống chộn rộn, ồn ã, với những nỗi lo ngắn tũn như chuyện “hết tiền ăn cháo”, “hết tiền mua nước”, tàu tới thì chạy, tàu đi ta lại xếp sắp bày hàng, bày bếp nấu cơm. Thậm chí có lúc thấy tàu đi ngang, Huyền còn ra đứng gần đường tàu hóng gió, hóng cả những tươi mới đang cùng đoàn tàu chạy tới.

Chẳng hiểu sao nghe tiếng còi hụ trong phim, tôi cứ bất giác nghĩ về đoàn tàu trong “Thế giới của Apu” mà thầy Phan Đăng Di giới thiệu hồi học khóa biên kịch hồi năm ngoái. Những đứa trẻ trong phim cũng háo hức hóng tàu, chúng cứ ngày qua ngày chờ mong những đoàn tàu tới, những hi vọng mới... Cứ như người ta vẫn thường chúc nhau dịp ngày Xuân năm mới vậy, dẫu ai đấy đều biết rằng, lời chúc có khi chỉ là để chúc thôi...



11.2.2015

Dương Thùy




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

“Trảm long”: Hành trình giành lại tự do từ tay số phận

Đêm qua mới đọc xong tập cuối của “Trảm Long”. So với ba phần trước, “Thiên địa phong thủy” kém hấp dẫn nhất. Nhưng khép lại trang ...